Thông Ba Lá

Chúng tôi đều c gng làm mt cái gì đó, chẳng phi để thy cuc sng mi ngày trôi qua không vô ích, ch là, sau này nhìn li, có l s không ai phải hi tiếc.

Không hi tiếc vì mt nơi, mt người, mt vt, mt ý nghĩa nào đó, mà mình đã không sng hết mình.

1.

Danh bắt tàu ra ngoài bắc, trở về quê nội. Tôi không biết anh định làm gì ở đó, có thể anh sẽ nối nghiệp bố mình xin vào làm trong hợp tác xã, hoặc vận dụng kiến thức bốn năm ngồi giảng đường về cải thiện lúa giống quê nhà. Còn tôi dù rất muốn là tay phụ nghề trong tiệm sửa xe máy của bố, nhưng mỗi lần thấy tôi áo cộc, quần jeans rách, mũ lưỡi trai đen đội ngược đi ra đi vào, cầm cái này vặn cái kia, đến trưa thì mồ hôi nhễ nhại mà quần áo lấm lem, khuôn mặt mệt mỏi của ông lại xuất hiện một nụ cười chẳng hề vui. Cái nụ cười đi kèm đôi mắt mà bạn sẽ thấy rất buồn mà cười lại, cười đến đau lòng. Dù là có chút gì đó buồn cười nhưng lại không muốn tiếp tục thấy vẻ mặt ấy nữa. Tôi biết ông có thể làm việc nặng nhọc, quần áo dơ bẩn, mùi mồ hôi vương vất cả ngày, nhưng nhất quyết không muốn nhìn thấy vợ con mình trong hoàn cảnh như vậy.

Sau hè về nhà phụ vặt ấy, tôi không lần nào nhắc chuyện muốn trở thành thợ máy với ông nữa cả, cứ như thể sự thổ lộ ấy sẽ khiến người đàn ông mạnh mẽ của gia đình tan nát một phần vậy. Con người sinh ra ai chẳng có chút sĩ diện, có người thì thể hiện ra, người lại giấu nhẹm nó đi, người học cách thỏa hiệp với chính bản tính của mình. Bố cũng muốn tôi làm được gì đó nở mày nở mặt. Tôi không thích ngồi văn phòng, mà cũng chưa chắc với cái tính lông bông, tôi có thể tìm được cho mình một công việc gọi là “đàng hoàng tử tế”, sạch sẽ và lịch sự như con nhà người ta. Tôi thích rong ruổi cùng Danh trên những chuyến đường, nơi mà cách xa những nhà cửa san sát và đường phố ồn ào, trở về với đồng quê tanh nồng mùi cá hay thoang thoảng hương cỏ trộn đất. Nhưng Danh không còn ở gần bên, tôi cũng chẳng thể đi đâu trong một thời gian dài, không phải vì không dám một mình, mà vì một mình cô đơn lắm. Nó chỉ khiến tôi nhớ anh thật nhiều.

Tôi không hỏi về tình hình bệnh tật của bố anh. Nếu anh không kể gì, có nghĩa là không xảy ra điều bất trắc. Danh là kiểu người khép kín, dù là với gia đình hay với tôi đi chăng nữa. Anh có những suy nghĩ riêng giấu nhẹm vào những điếu thuốc. Tôi thích anh không hút thuốc hơn. Anh đã bỏ, nhưng có thể ngày nào đó mỏi mệt hoặc thao thức chẳng biết sẽ làm được gì cho cha mình, hoặc đơn giản lúc không có tôi, anh sẽ rít một điếu chăng. Tôi không có ở đó, không thể quan tâm hay thấu hiểu phần anh, sẽ chẳng phàn nàn. Chỉ là, trong cuộn khói kia, có lúc nào anh nghĩ đến ngày hai đứa gặp lại?

Nhiều khi nghĩ đến cái hôm ở bến tàu, nếu tôi nài nỉ, dù chỉ một câu, thì liệu anh có thay đổi ý định? Thế nhưng tôi đã chọn không nói, nên tự nhủ hãy quên đi cái chuyện thay đổi quá khứ.

2.

Tôi xin vào làm chân phụ việc ở bến tàu cho nhà chú Ba, tức là mỗi rằm tàu về thì ra phụ xếp cá xuống, rồi ai sai gì thì nhận làm nấy. Nhưng một tháng cũng chỉ làm vài ngày nên tôi kiêm thêm việc bán đồ ăn sáng ở quán phở của cô Ba. Thế rồi thấy mắt bố buồn quá, đến bữa chỉ ăn cơm mà chẳng thiết nói chuyện gì, nên tôi nghỉ làm ở nhà chú Ba, nhận dạy kèm cho một thằng nhóc lên mười lăm. Thỉnh thoảng đến rằm tôi vẫn ra bến tàu phụ việc, không lấy công, chỉ xin bữa cơm trưa. Tôi thèm mùi cá biển tanh nồng, thèm hơi muối, thèm cái ráng hồng khi mặt trời còn chưa lên, thèm những ký ức đi phượt cùng Danh qua những tỉnh ven biển lúc học xa nhà. Bởi cơ bản thì tôi vẫn đang cố gắng không nhớ anh.

Học trò của tôi là một thằng nhóc cộc cằn và dễ chán nản, thể loại mà bạn sẽ thấy nó luôn cắn cảu với người thân, đặc biệt bố mẹ, nhưng chỉ cần tìm người có thể nói chuyện được, nó bỗng hiền như cục đất. Quang là kiểu con nít như vậy. Hôm đầu tiên đến nhà gặp phụ huynh, đó đã không ngần ngại hất nguyên đống lego vào người tôi, nhưng tôi vẫn nhận dạy nó, vì khoảnh khắc nào đó, nó gợi tôi nhớ đến Danh – một đứa trẻ mất mẹ từ nhỏ, phải sống với bà ngoại vừa hiền vừa thương mà chiều cháu lại phải chịu bắt nạt từ chúng bạn to con lớn xác, cuối cùng cũng trở thành một con người cộc tính dễ tổn thương, nhưng một khi đã đổi thay thì sẽ là một con người đáng trân trọng. Quang thoạt nhìn hoàn cảnh không có gì đáng phàn nàn, nhưng tôi biết cậu nhóc có ủy khuất, kiểu thương tổn xuất hiện từ bé hoặc ảnh hưởng từ chính gia đình mình.

“Chị học ngành gì?”

“Tâm lý giáo dục”

“Là cái gì?”

“Là cách để nói chuyện với những đứa như nhóc”

Quang nhíu mày nhìn tôi. Nó không tin, mà tôi cũng chẳng cần nó tin. Buổi đầu nó ném sách vở bỏ ra ngoài, buổi thứ hai ngồi vào bàn chơi game máy tính, buổi thứ ba cắn đầu bút chì, nhìn tôi với ánh mắt khinh khỉnh, vậy cũng là có tiến bộ. Buổi thứ tư lần đầu tiên tôi giơ tay khi nó nói bậy, nhưng cuối cùng lại chỉ vỗ vỗ đầu rồi bỏ về. Đó là lần đầu tiên tôi hung dữ với nó, và cũng là lần đầu tiên nó nhận ra mình ăn tát hụt.

Trở về lúc còn quá sớm, tôi ra bờ sông ngồi duỗi chân trên triền cỏ dốc xuống. Có anh Tiếu con bác Ba đạp xe chạy qua gạt còi inh ỏi. Hai đứa nhìn nhau chào một cái, chẳng có gì mà tự dưng gặp người quen cười thấy lòng nhẹ hẳn. Tôi tháo mũ, đi bộ dọc theo con đường bao bởi rặng tre hai bên về nhà, lại thay áo cộc quần jeans rách ra ngồi phụ bố vá cái xe. Bố không nói gì, nhìn tôi dò đoán giây lát rồi lại cười hiền. Lâu rồi tôi chưa phụ ông việc trong tiệm.

Thi thoảng giấc mơ của tôi vẫn gọi về ký ức ngày nào hai đứa rong ruổi trên đồi thông ba lá. Tôi cười hạnh phúc; rồi lặng nhìn khi anh đặt vào tay mình nhánh thông ba lá, hỏi rằng tôi có dám đặt niềm tin vào những ngày không còn bên nhau nữa.

Tôi không trả lời anh lúc ấy, vì lúc ấy tôi chưa hiểu tương lai chúng tôi sẽ phải đối mặt. Kỳ lạ là, ngay cả khi lặp lại trong mơ, tôi cũng không trả lời. Bởi tôi biết cái anh cần không phải là một câu nói.

3.

Cái gốc me nơi ngã tư rẽ vào nhà, tôi xin chú Bưởi cho đóng cái bảng gỗ vẽ hình mũi tên chỉ đường vào sửa xe. Quán của bố có thêm vài vị khách vãng lai, tôi cuối cùng cũng kèm được Quang học xong chương đầu đại số. Thằng bé học nhanh hiểu, có điều bắt nó nghe theo lời mình là cả một sự dàn chiêu bố trận. Tháng lương đầu tiên, tôi mua một con tôm hùm đại dương về cho má hấp, xem như đền bù cho cả tháng chưa đóng được tiền ăn. Bố mắng phung phí tiền rồi thôi. Mẹ không nói gì, hấp tấp lôi ra cái nồi bự cất trong góc bếp. Chỉ có thằng cu em lăng xăng chạy qua chạy lại, nói nó từ hồi bé tí hay qua nhà chú Ba thì chưa được ăn lại tôm đại dương lần nào. Tôi giữ nó lại không chạy rong chỗ bếp để má đỡ vướng đường ra, nghĩ ngợi mà cay sống mũi.

“Hai, chặt tay quá, thả Bía ra”

“À quên, hai xin lỗi”

“Lâu lâu mua được con tôm mà tự dưng đanh đá quá trời à…”

Bữa tối hôm ấy chẳng còn sót một miếng thịt tôm nào. Dọn rửa chén dĩa xong, tôi với thằng Bía đốt lửa ngoài sân nướng mấy phần vụn tôm bỏ theo ý tưởng của nó. Bình thường tôi đã chê bai này nọ là dơ, là trẻ con. Hôm nay tôi cũng muốn làm đứa con nít nghịch bẩn vậy.

Quang cuối cùng cũng nộp đơn thi vào trường cấp ba. Tôi chẳng lo, vì thực ra không đặt hy vọng vào kết quả. Tôi chỉ dạy nó mỗi môn Toán, mà cũng chẳng dạy được nhiều. Quan trọng là thằng nhóc đã chịu đi thi, đã gạt ra cơn giận bản thân dồn nén bao nhiêu năm để làm điều mà mẹ nó mong chờ. Ngày cầm tháng lương cuối hè cùng tiền thưởng thêm, tôi bỗng muốn trả lại, nhưng rồi nghĩ không thể phung phí tiền đủ mua mấy con tôm hùm một lần trong lúc nhà đang khó khăn thế này, tôi cầm tiền rồi ra về. Quang bảo thi xong sẽ gặp, nhưng tự dưng tôi chẳng còn muốn gặp thằng nhóc.

Tôi mấy ngày không ra khỏi nhà, nói là chờ cho qua kỳ thi vào phổ thông, chẳng dám báo với nhà là mình đã nghỉ việc. Thế nên lúc có thằng nhóc mặc đồ học sinh đến nhà tìm, ba má tôi đã được một phen ngạc nhiên. Quang đưa cho tôi tờ giấy báo trúng tuyển, rồi toét miệng cười, chỉ lên miếng vải phía trên túi áo trái.

– Thấy tên em không, thấy trường em không? Mới may xong đó. Ơ hay, đến báo tin vui mà sao lại khóc? Có tin em lấy nắm đấm kẹp cổ không?

4.

Phụ bếp của cửa hàng ông Tấn bánh mì xin về quê chăm mẹ già, tôi nghe tin liền xin thế chân ngay lập tức. Ngày đầu chưa quen việc, lại sẵn bản tính hấp tấp hậu đậu, nếu không vãi bột ra khắp người thì cũng dính vài vết phỏng. Ngày qua ngày khi gà chưa gáy là tôi đã phải dậy tắt báo thức, cài khuy áo trắng trong trạng thái mắt lờ đờ, nhìn mình trong gương mà cứ tưởng con ma mớ ngủ nào. Dần dà rồi cũng quen. Hồi bé vốn thích bánh mì, thích cái cảnh một cục bột trắng bé teo lại có thể phồng ra cái bánh lớn vàng ươm lớp vỏ, thích cái hương thơm bột bánh mới ra lò, nên làm ra mẻ bánh đầu tiên, tôi đã thích thú còn hơn lần đầu mua được tôm hùm đại dương. Bà Tấn bảo đem vài cái mẻ cuối về cho nhà. Tôi không nói bánh mình làm, đến bữa ngồi ăn thấy bố mẹ và thằng Bía tấm tắc, cảm thấy nức nở trong lòng.

Tối đó Danh gọi điện cho tôi. Sau từng ấy thời gian không nói với nhau câu nào, anh làm tôi khóc. Anh bảo đã lo hậu sự cho bố xong, còn một số việc ở quê vẫn đang thu xếp dở dang. Chúng tôi, lần nữa, không hẹn nhau ngày gặp lại. Cái tình cảm thương thương mà trân trọng vô cùng ấy chỉ im lặng cũng có thể hiểu.

Tôi cũng không thể lông bông nay làm này mai làm đó mãi được. Rồi tôi cũng phải kiếm một công việc gì đó cho giống con nhà người ta, nhưng lấp đầy ngày bằng hương vị, góc đường và nụ cười người thân nơi quê nhà, tôi thấy mình yên ả.

Tất nhiên tôi vẫn nhớ Danh, vẫn canh cánh vì chẳng thể làm gì được cho anh, nhưng không đong nỗi buồn bằng giọt nước mắt. Chúng tôi rồi sẽ gặp lại, chỉ là, để đi được đến ngày ấy vẫn cần phải nỗ lực thật nhiều.

Tôi nhìn xuống những ngón tay xương gầy mà anh vẫn từng nắm thật chặt, hôn thật khẽ, đặt lên đấy một hòn đá hoá thạch có hình thông ba lá kiên định anh tự tay đẽo gọt, bảo rằng mọi chuyện rồi sẽ vẫn ở đó, chỉ cần chúng tôi có niềm tin ở nửa còn lại.