Anh

Anh gặp Lam gần đầu ở sảnh công ty. Anh thuộc kiểu người khó tính và có yêu cầu cao cho tất cả những kẻ dưới quyền của mình – tức là những kẻ anh có đủ quyền hạn để sai khiến và mắng chửi khi cần thiết. Tất nhiên để giữ hình tượng lịch lãm của mình, anh chọn cách không to tiếng bằng việc thêm thắt vào nội dung buổi họp những yêu buộc các phòng ban phải quắn mông lên cho kịp kế hoạch theo ý của một tên sếp đúng là độc quyền. Vậy nên khi thấy cô – với đôi mắt vô tội tưởng chừng có thể sẵn sàng nhỏ vài giọt nước mắt khi bị anh quát tháo trong cuộc họp. Tất nhiên anh không quát tháo, đó chỉ là hình tượng anh thường vẽ ra mỗi khi kiềm chế không để lộ nó trước mặt mọi người. Nhưng dẫu chỉ là một cái nhíu mày không vui hoặc nhận xét quá ư gay go về nội dung không như ý của công việc, anh có thể làm cô mang tâm trạng buồn nguyên ngày, và có thể cả ngày sau đó. 

Tất nhiên anh không quan tâm lắm, bởi cô chỉ là một nhân viên thử việc bình thường như bao kẻ đến rồi đi trong cái công ty anh cùng bạn mình đã lập nên bằng bao nhiêu công sức bản thân và sự giễu cợt của người đời. Anh đủ mạnh mẽ để tự tin cho kẻ khác biết rằng mình không dễ bị động chạm đến sau khi đã lăn lóc bao nhiêu góc cuộc đời. Đời người thì anh không biết, nhưng đời anh cũng đủ nhiều gai.

Đúng như dự cảm của anh, Lam là kiểu người sẽ làm hỏng việc trong lần đầu tiên. Anh đã không ngần ngại đưa cô ra trước cuộc họp, nhận xét với chất giọng bình thản vốn có và sức mạnh ngôn từ đủ đay nghiến để đối phương sợ chết khiếp trong lúc tự dằn vặt về cái ngu và cái sai của bản thân. Nhưng anh không lường trước được cái phản ứng không cúi mặt của cô, chỉ đứng đó, nhìn anh, bằng đôi mắt mở to như lần đầu anh thấy. “Chết tiệt” – anh nhủ thầm. Anh được lập trình ra để gay gắt với những đôi mắt lảng tránh, không phải với một đôi mắt đón nhận. Trước khi anh nhận ra mình để chủ đề này đi quá sâu trong tiềm thức thì đã có một khoảng lặng khó hiểu trong cuộc họp khi sếp nhìn vào cô nhân viên mới chằm chằm. 

Anh không hắng giọng, hắng giọng thì kỳ quá, như thể anh thừa nhận hành động kỳ quặc của mình. Thế rồi anh nhìn xuống xấp giấy tờ nội dung của cô, tính nói gì đó, và rồi anh đã nói gì đó thật, vẫn liên quan đến chủ để lúc nãy với thái độ bình thản và cóc quan tâm như thường. Nhưng đã có gì đó nhen nhúm trong những kẻ vểnh tai nghe, khi mà tên sếp cứng nhắc vô độ thường ngày cuối cùng cũng có chút biểu hiện bất thường gì đó của con người bình thường. 

Có một lần anh hỏi cô khi cả hai cùng ngắm ánh sáng mờ nhạt qua tấm rèm cửa. 

– Em đến để trị anh à? 

Lúc hỏi câu này, lòng tự trọng của anh đã hạ xuống một chút khi thừa nhận mình đã bị cô thu hút từ buổi họp đó. 

– Không có. Em chỉ bình tĩnh, thế thôi. 

– Em có tu theo trường phái nào không? Em có thần hay vô thần? – Anh nhổm hẳn người lên, không vì câu hỏi quan trọng mà vì anh tò mò. 

– Không – cô bật cười trước vẻ trẻ con đột ngột của người đàn ông tham lam muốn biết tất cả, và rồi kéo đầu anh lại sát – Em chẳng biết mình có thần hay vô thần. Đôi lúc em tin, đôi lúc không tin. Nhưng em đặt cược tất cả vào những gì mình thấy đúng. 

– Em theo chủ nghĩa cá nhân. – Anh thả cô ra. 

– Cứ phải xếp em vào một cái gì đó anh mới thấy thỏa mãn sao? 

– Điều đó làm anh thấy yên tâm. 

– Anh đừng cố định nghĩa một con người. 

Cuộc hội thoại ấy chỉ là một thứ ngắn ngủi trong vô số những cuộc hội thoại có vẻ triết lý đã nhanh chóng chìm vào quên lãng. Một số anh nhớ, hầu hết là không. Thường nó phải gắn với một thứ gì đó gần gũi và thân quen thì anh sẽ nhớ, hoặc một lúc nào đó nhớ về cô trong khoảnh khắc nào đó anh sẽ nhớ. Mà điều này xét ra thì, như thể đối với anh cô chưa đủ gần gũi thân quen. Không phải vì cô không yêu anh hay anh không yêu cô đủ nhiều, mà bởi vì anh không định nghĩa cô, không thể xếp cô vào một nhóm nào đó – những nỗ lực trước chỉ là miễn cưỡng – điều này khiến anh cảm thấy bất an. Cái bất an của kẻ đã đạt được sự nghiệp mình muốn bằng mọi giá, nhưng cuối cùng phát hiện ra có những cái khác không thể đạt được bằng cách đi con đường cũ. 

Một vài lần cô đi công tác xa, anh đồng ý để phòng nhân sự ký giấy phép cho cô đi, còn mình trở về nhà mẹ cách thành phố hơn hai trăm cây. Từ khi bố mất, anh hiếm về thăm bà. Anh không có mấy kết nối với người mẹ đã từng bỏ mình đi khi anh vừa cai sữa. Có thể bà có chút tính người khi nuôi anh qua kỳ sữa mẹ, nhưng nó không xoa dịu được cái nghẹn trong lòng khi nghĩ đến mình đã bị bỏ rơi. Anh giấu nhẹm cái ý nghĩ việc mình được sinh ra là cái gai trong đời ai đó. Anh tránh nó như tránh hủi, và do đó tránh gặp mặt bà. 

Tất nhiên anh là một thằng đàn ông chân chính, lịch lãm và có hiếu. Anh vẫn về thăm bà, nhưng không thấy có mấy kết nối. Một phần do xa cách quá lâu, một phần anh chẳng cố để đồng cảm với con người đã bỏ rơi mình. Đến giờ anh vẫn không hiểu sao bà lại trở về sau từng ấy năm không chứng kiến đứa trai mình lớn. Vì muốn thăm người đàn ông từng tình nghĩa nằm trên giường bị căn bệnh quái ác dằn vặt, hay tò mò rằng đứa nhỏ kia sống sót thế nào, có giống mình không? Anh không hỏi. Quá đau lòng để mà khơi lại những gì người ta cố chối.

Vậy mà khi quen Lam, anh lại muốn nói chuyện với bà. Không phải anh muốn tâm sự với bà về người con gái mình đã gặp. Chỉ là cô giống hệt bà ở việc tạo ra bất an trong cuộc sống vốn chẳng dễ dàng của mình, thế nên anh muốn từ bà mình có thể hiểu được Lam. Nhưng anh lại không muốn nhìn thấy bà, bởi mỗi lần gặp là anh chẳng mở miệng nói được câu nào có đầu cuối. Giá mà có thể nói chuyện mà không gặp nhau thì tốt mấy. Anh có thể gửi thư cho một người ở nơi vùng sâu vùng xa không có điện thoại, máy tính, máy nhắn tin lẫn TV chăng? Và rồi bà sẽ gấp bức thư ấy cẩn thận, chờ có ai ghé thăm mình – mà chỉ có thể là anh – đọc cho mình, vì bà không biết chữ. 

Anh thở ra một hơi, bước lên bậc tam cấp ọp ẹp bằng gỗ sắp mục. Ngay khi chuẩn bị lên thềm nhà, mảnh gỗ mục không chịu được sức nặng sụp xuống. Vết xước xuất hiện nơi mũi và hai bên giày. Không sao, chỉ là vài vết xước giữa hàng ngàn vết gặp phải trong đời.

Mẹ anh đang ngồi ở chiếc ghế dựa có thể đung đưa nơi cửa sổ, nhìn xa xăm gì đó với cây móc trên tay. Cuộc sống của người phụ nữ không biết đọc xa rời thế giới thông tin tự quấn mình trong những cuộc len – anh tự nghĩ và chợt cười, cái cười cay đắng đến tận xương tủy khi nhận ra đứa con đang nói về mẹ của mình trong nỗ lực muốn cải thiện chút lương tâm – không biết là lương tâm của anh – kẻ được sinh ra để dạy cho cách sống thờ ơ hay người phụ nữ già nơi cửa sổ – kẻ đã bỏ con mình. Anh đặt cặp táp xuống nền, kéo một chiếc ghế xếp sát bàn uống nước lại gần cửa sổ, ngồi nhìn bà. Những mũi len móc dừng đã lâu, nằm ngay ngắm trên tấm vải trải trước lên đùi. Bà nhìn anh, có vẻ cũng không thể nói gì giống hệt như anh, đuôi mắt hằn lên những nét gấp hướng về thái dương. Anh quan sát kỹ bà, xác nhận lại những gì mà họ hàng gần xa vẫn nói: tổng thể thì giống cha, nhưng từng đường nét lại là của mẹ. Anh nhận ra điều này trong bỡ ngỡ như thể một đứa trẻ nhận ra mình không phải được một con cò mang đến. Là hai người đã mang mình đến, có thể vô tình hay cố ý, nhưng đã quyết định sinh ra. Dù sau đó họ không thỏa hiệp với bản ngã của mình trong việc tạo ra một sinh linh, chính họ là người đã đưa nó đến với thế giới này. Anh chợt nhớ đến chuyện cây giá sinh ra từ hạt đậu mà Lam kể. Dù có muốn hay không, nó vẫn là một phần của hạt đậu – sự ràng buộc không thể chối bỏ.

Lần đầu tiên trong đời anh nói được một câu tử tế: 

– Mẹ ăn gì chưa? Con nấu bữa tối nhé. 

Anh không có gì tự hào về việc mình đứng trong bếp. Khó để có thể đánh giá một kẻ chỉ nấu đi nấu lại những món ăn quen thuộc trong từng ấy năm sống riêng vì không tin tưởng đầu bếp bên ngoài. Lam chẳng bao giờ có một nhận xét về những món anh nấu, có lẽ lúc ấy cô đang sống đúng với bản chất bình tĩnh của mình. Vậy nên khi thấy những ngón tay run run gắp món rau nhút xào, anh đã không tránh khỏi ngạc nhiên. Hóa ra mẹ anh không bình tĩnh được như vậy. Có thể anh đã quá đánh đồng bà và Lam, trong thực tế hai người chỉ chung một điểm mà tính tự phát của nó lại bắt nguồn từ anh. Có thể do hành động của anh tình cảm một cách bất thường nếu so sánh giữa một cô gái được yêu thương hằng ngày và một người mẹ già bị bỏ rơi hằng năm trời. Có thể đối với bà, anh có ý nghĩa nhiều hơn thế.  

Lần đầu tiên, anh thừa nhận mình cũng là một kẻ bỏ rơi chẳng khác gì mẹ mình. Và nếu có trách móc bà bao nhiêu, thì nó lại đổ thẳng lên đầu anh lúc này.  

Buổi tối hôm ấy anh tính về muộn, cuối cùng thỉ ngủ lại. Đêm thao thức, tiếng nước chảy nhỏ giọt dưới nhà rõ mồn một. Lúc anh trở mình tìm tư thế dễ chịu thì chiếc giường lại ọp ẹp. Gần sáng anh mới chợp mắt được một lát, khi loáng thoáng thấy có bóng người lướt qua cửa phòng trước khi âm thanh của tiếng đun nước, quét nhà và lạch cạch xong chảo bắt đầu một buổi sáng.