Giấc mơ có màu nhàn nhạt, mờ ảo như bị phủ một lớp sương mỏng khiến người mơ khi đã tỉnh giấc vẫn thấy hiện thực trước mặt chẳng thật như vốn có.
Tôi vẫn thường mơ về một giấc mơ xa xăm như thế, từ ngày Quang đi. Nhiều khi tôi tự hỏi, người đã đi sao không mang theo tất cả mà vẫn để lại từng chút vụn vặt, nhấn chìm kẻ ở lại trong đau khổ day dứt. Nếu có thể uống được thứ thuốc quên của người khi xuống cõi âm thì tốt biết mấy, chỉ tiếc tôi mỏi mắt tìm đã mấy năm nay mà vẫn chưa thấy.
***
Chẳng biết từ khi nào tôi lại có thói quen ngồi đàm đạo cà phê buổi sớm với mấy đứa bạn học cấp ba. Cứ tán phét một hồi như thế cho đến khi tụi nó lần lượt đi làm, chỉ còn mình tôi với mấy cốc cà phê đã uống dở. Ngồi buồn khuấy li còn trơ vài cục đá cho đến khi nắng lên cao tôi mới ngất ngưởng đứng dậy, bắt đầu ngày làm việc của mình.
Tôi là một nhiếp ảnh tự do, mà nói trắng ra là chẳng có nghề ngỗng gì. Nếu không vì ngày hai bữa cơm thì có lẽ tôi đã ngủ vùi trong chăn từ tối đến sáng, từ sáng đến tối, không cần quan tâm thế giới bên ngoài vui buồn nhộn nhịp ra sao. Nhưng cũng vì miếng cơm bỏ miệng, tiền nhà cuối tháng, tiền cà phê sáng và hàng trăm thứ vặt vãnh khác mà sáng sáng tôi đi lang thang chụp hình, chiều chiều làm thêm ở một cửa hàng nhỏ, tối đến lại lục tục gõ máy tính cho kịp deadline của công ty khác. Ôm đồm nhiều thấy mệt, nhưng mà tôi chỉ nhăn nhó, chứ không kêu ca bao giờ. Vì cuộc sống này do tôi lựa chọn, có trách thì cũng chỉ trách bản thân mà thôi.
Chiều nay lúc đang trực điện thoại ở quầy thì có một khách hàng tiến vào. Tôi tay cầm ống nghe trả lời điện rõ ràng rành mạch nhưng mắt vẫn không quên liếc nhìn vì khách mới kia. Cơ bản cũng chỉ vì anh ta ăn mặc quá bắt mắt – không phải loại màu mè đồng bóng mà là kiểu bụi bặm trông ra dáng “anh chị”. Tôi liếc mắt nhìn đôi giày đen đế cao su bự chảng đầy bụi bặm chà sát trên tấm thảm ở cửa mà thầm tiếc cho chủ cửa hàng ngày nào cũng giặt phơi nó cẩn thận.
– Anh cần gì ạ? – tôi đặt điện thoại xuống, nhã nhặn hỏi. Đã vào cửa hàng đĩa rồi thì ai chẳng muốn chọn lấy một cái, nhưng ý tôi muốn hỏi là thể loại nhạc mà anh ta muốn tìm. Anh chàng quan sát tôi trong giây lát, cơ hồ không muốn bỏ sót bất kì “ngóc ngách” nào trên gương mặt tôi. Tôi cũng nhìn chăm chăm anh ta như vậy, nhưng rõ ràng bị thiệt hơn rất nhiều bởi ngoài đám râu quai nón rập rạp, cặp kính đen to sụ và cái mũ cũ kĩ che mất nửa đầu kia thì tôi chẳng thấy được gì. Một hồi lâu trôi qua tưởng chừng như vị khách kia không có ý định trả lời, tôi quay lưng bước vào trong thì anh ta lại lên tiếng.
– Trịnh..
– À, ra anh muốn tìm nhạc Trịnh.
Tôi đẩy cánh cửa gỗ nhỏ nơi quầy để lách ra, định chỉ cho vị khách lạ nơi cất đĩa nhạc của Trịnh Công Sơn, nào ngờ anh ta lại lắc đầu.
– Trịnh Thanh Yên.
Tôi sững lại nhìn anh ta, trán nhăn lại trong giây lát.
– Tôi chưa nghe tên nhạc sĩ nào như vậy cả. Nhưng anh có thể tìm ở quầy đĩa cũ đằng kia, biết đâu…
Tôi vừa nói đến đây thì anh ta lại lắc đầu cật lực. Có vẻ không thể nỗ lực hơn nữa trong việc duy trì cuộc hội thoại này, anh ta rút từ túi trong của chiếc áo phao cũ kĩ màu rêu đang mặc trên người, chìa ra cho tôi một tấm ảnh đen trắng.
– Trịnh Thanh Yên – anh ta chỉ vào tấm ảnh. Tôi quan sát thật kĩ, cuối cùng đành lắc đầu.
– Tôi không biết người này. Anh có chắc là mình tìm đúng chỗ không?
Anh ta nhìn tôi trong giây lát như ý muốn nói chỉ có tôi sai chứ anh ta không thể sai được. Thấy tôi cứ ngây người nhìn, anh ta lại tự lắc đầu với chính mình, rút ra tấm ảnh nữa trong túi áo. Tôi nhìn vào tấm ảnh xong, chết đứng tại chỗ.
Trong hình là Quang với nụ cười rạng rỡ. Qua mái tóc và phong cách ăn mặc, không khó lắm để nhận ra bức ảnh được chụp thời anh vừa mới ra trường, bắt đầu đi làm. Tôi đã xem rất nhiều hình của anh, cũng đã từng thấy bộ đồ anh mặc trong ảnh, nhưng chưa thấy tấm ảnh này bao giờ. Hơn nữa nụ cười toả nắng kia, lần đầu tiên tôi thấy Quang cười rạng rỡ như vậy.
Hệt như anh đang hiện ra sống động trước mặt tôi vậy.
Tôi dường như quên đi thực tại, quên đi người khác xa lạ và những hành động khó hiểu của anh ta vừa rồi, bật khóc như một đứa trẻ.