Người luyện thần thú

Ngày mùng 1 tháng 12, sư phụ đóng cửa, sai bồ câu xám đen mang thư đến cho người gác mõ dưới chân núi thông báo không tiếp khách trong vòng một tuần, đoạn sai tôi chuẩn bị đèn dầu, bấc, cùng vài thứ nữa. Ăn trưa xong thì người lệnh cho tôi đi ngủ, đúng nửa đêm thì đánh thức. Tôi mặc chiếc áo bông dày thường chỉ dành cho mùa đông đi hái thuốc lúc còn đọng sương, xách theo hộp đồ nghề đã chuẩn bị, theo sư phụ đi xuống dưới tận cùng hang đá lạnh lẽo phía sau cửa hầm sách. Đến đấy gặp một cái giếng hẹp mà sâu, sư phụ gác cây đuốc, đoạn thả ròng rọc xuống. Tôi trèo lên trước, sư phụ thả dây dần dần. Vì tiết kiệm nên cả hai chỉ mang theo một cây đuốc, treo ở móc sắt nơi thành giếng, thế nên màn tối nhanh chóng bao trùm tôi.

Chẳng biết dòng dây xuống đã bao lâu, chỉ biết đốm lửa kia chỉ còn lập loè chấm nhỏ. Rồi đến cảnh mắt tranh tối tranh sáng, không biết đâu là sáng thực tối thực nữa thì nghe khực một cái. Đã chạm đến đáy. Tôi cẩn trọng bước ra khỏi thùng gỗ, bàn chân đi giày vải chạm vào nền đá lạnh lẽo không khỏi rùng mình. Cả người an toàn ra khỏi thùng gỗ, tôi khẽ giật dây để sư phụ biết. Tiếng ròng rọc kẽo kẹt, thùng gỗ được nhấc lên. Dù biết sư phụ không bỏ rơi mình nhưng tôi vẫn cảm thấy đáng sợ khó tả.

Hang kín nhưng cơ hồ vẫn có tiếng gió rít từ xa hướng lại, kèm theo đó là những cơn lạnh thoáng qua. Tôi biết không phải gió, không phải chuột, không phải bất cứ sinh vật sống nào. Tự trấn an bản thân, tôi nhẩm khẽ một bài khấn, trong đầu không nghĩ gì khác nữa. Một thời gian dài trôi qua, lại nghe tiếng kẽo kẹt gần hơn. Tôi ngẩng lên thấy đốm sáng một to dần. Khuôn mặt sư phụ hiện ra dưới ánh đuốc làm những vết nhăn nổi bật một cách kì dị, dễ làm người ta liên tưởng đến xác ướp nhăn nheo nào đó. Tôi giật mình, khẽ lùi lại, tự hỏi sư phụ đã bao nhiêu tuổi, sao trước giờ tôi chưa bao giờ để ý cũng chẳng nghĩ đến chuyện hỏi.

Sư phụ bước ra khỏi thùng gỗ, tay cầm đuốc tay còn lại cầm chiếc hộp đồ nghề, đoạn bảo tôi đi nép theo sau người.

“Đường hầm này dẫn đi đâu vậy sư phụ?”

“Vì chúng ta ở trên đỉnh núi, nơi này có thể tạm gọi là phần chính tâm núi. Từ đây đào bất kì một con đường nào dài đủ 360 trường xích đều có thể ra đến bên ngoài” (1 trường xích = 0.4664m).

“Hoá ra ngọn núi này được vạt tròn sao?” – tôi tròn mắt, không nén nổi ngạc nhiên.

“Núi vốn không tự sinh ra, nhưng có người cố ý cải tạo.”

Càng vào sâu phía trong càng lạnh, tôi mới hiểu tại sao sư phụ lại dặn phải mặc áo bông. Nếu để ý kĩ sẽ thấy vách đá không kín thành khối mà có những khe luồn gió lạnh vào. Còn tôi cơ thể vốn đã chịu lạnh tốt (Hàn Nhi không phải ngẫu nhiên mà có), nên chuyện áo ấm gì gì đó có thể bỏ qua.

“Là ai cải tạo núi vậy sư phụ?”

“Ngày xưa có một cô bé tên là Viên Viên vốn giỏi điều khiển thần thú, bị mắc kẹt ở đây nửa tháng. Sau khi cật lực đào một con đường dài 400 trường xích để ra được bên ngoài mất 7 ngày, vị cô nương này đã nhận ra vì mình tính toán không đủ đoạn đường và số lượng thú đào đất, khiến hai con vật đã quá sức mà chết vì đói. Từ đó cô nương quyết định cải tạo con núi này, để chỉ trong bảy ngày với 7 thú trong tay có thể đào xong đoạn đường dài 360 trường xích.”

“7 loài thú đó, liệu có phải là 7 thần thú trong truyền thuyết?”

Sư phụ không nói gì, nhìn từ đằng sau cũng không thể thấy rõ là người có gật hay không.

“Cô nương có thể điều khiển thần thú, lại có thể cải tạo hẳn một con núi, chẳng phải là người thường.”

“Thực ra giờ nhắc đến cái tên Lạc Thiên, người ta cũng chẳng còn nhớ là ai nữa.”

Cái tên này thì tôi biết. Trong hầm sách kia có vài văn tự cổ được viết trên cuộn trúc, trong đó có nhắc đến tài năng xuất chúng của Trưởng công chúa Lạc Thiên Viên cùng sự mất tích đột ngột của bà khi Bát Đường chiếm cung. Nhưng nếu bà chính là Viên Viên trong lời kể của sư phụ, có khi nào tìm được tung tích của bà trong núi Lạc Ngôn?

Tôi chưa kịp hỏi thì sư phụ đã dừng lại khiến tôi suýt nữa thì dúi dụi vào người. Chúng tôi đang đứng ở cửa của một căn phòng nhỏ hình tròn, chính giữa có một chiếc bàn đá phủ vải. Phòng đá tối om, lạnh lẽo. Sư phụ đi một vòng cung thắp lên 12 ngọn đuốc, sau đó đặt ngọn đuốc đang cầm trên tay lên vòng sắt phía trên cửa. Căn phòng sáng hẳn, để lộ ra trần cao hun hút. Trong đây lạnh lẽo cùng cực khiến tôi cóng hết hai bàn tay. Sư phụ ngoắc tôi lại chiếc bàn đá ở giữa, sau đó giật tung tấm vải phủ lên.

Tôi đờ người trong giây lát, cảm thấy không chỉ hít thở không nổi, mà mạch máu cũng sắp không thông nữa.

“Đây là…?”

“Là người mới chết hôm qua, được mang xuống đây, thân thể đã bắt đầu co rút.”

Người chết nằm trên sàn đá lạnh lẽo hình như còn chưa nhược quán (chưa quá 20 tuổi), cả người một thân áo quần màu nâu đất giản dị, bất động nhưng lại có vẻ rất an nhiên. Nhìn tướng mạo, bàn tay cùng thần thái thì có thể biết lúc sinh thời cũng không phải sống trong cảnh thiếu thốn, là người từ gia đình có đủ điều kiện để khi chết có thể làm dịch vụ ma chay; thế nhưng đoạn cuối cuộc đời người này có vẻ đói ăn trầm trọng nên tụt ký nhanh, thân hình xanh xao, tay nổi gân. 

“Sư phụ… việc này là sao? Không phải chúng ta thiếu ăn đến mức nhận luôn việc mai táng và hoả thiêu chứ?”

Sư phụ nhìn tôi, hai mắt bỗng trống rỗng bất thường.

“Hàn Nhi à… con đừng có thực tế đến thực dụng như thế chứ!”

Tôi chọc vào bắp tay người nằm, cảm nhận độ căng độ mềm, đoán chừng chết đã được gần chục canh giờ.

“Đây là vị thiếu gia của một gia đình bán buôn gần chân núi, vốn không hiểu vì sao mà nôn nửa suốt ba ngày liền, sau đó thì mất nước mà chết. Lúc đưa đến đây cơ thể đã suy nhược nặng nề, ta có truyền cho một trái dừa, nhưng vẫn không qua khỏi. Cậu bé này xưa khó nuôi hay ốm vặt, lúc ba tuổi ta có giúp qua cơn thương hàn, từ đó theo học ta mấy năm, sau xuống núi để theo nghiệp gia đình, vốn có ý định muốn quay về trả ơn, nhưng chưa kịp thì đã ra đi. Gia đình theo ước nguyện hiến thân xác để phục vụ mục đích y học.

Sư phụ trầm ngâm một chút rồi lặng lẽ nói: “Chuẩn qua”

“Chuẩn qua” – tôi lặp lại theo sư phụ.

Suốt ba ngày ba đêm sau đó, tôi cùng sư phụ giải phẫu chàng trai kia. Lúc người cầm dao mổ thì tôi tốc ký vừa ghi vừa vẽ, lúc tôi cầm dao thì sư phụ đứng ngay bên cạnh chỉ từng đường nét. Để tiết kiệm thời gian đến mức tối đa, chúng tôi chỉ ăn bánh bột khô cầm hơi, sau đó uống nước cho bột nở, chiều tối uống thêm trà tăng độ tỉnh táo. Ở bên người chết, sư phụ có thỉnh thoảng nhắm mắt thiền, còn tôi không chợp mắt được tí nào.

Nửa đêm cuối cùng, chúng tôi quấn người chết trong hai lần vải, làm bữa cơm cúng, sau đó men theo đường hầm khác đối diện với đường hầm lúc vào đến một hang đá rộng hơn có huyệt đào sẵn, đặt người chết xuống rồi lấp đất cẩn thận, đắp lên một cái gò nhỏ. Tôi và sư phụ mỗi người thắp ba nén nhang, đọc bài kinh siêu độ rồi lạy đập đầu xuống đất ba lần. Lúc chiếc cửa gỗ nơi hang rộng đóng lại sau lưng, tôi nghe có tiếng người nói râm ran, chẳng biết họ đang bàn nhau chuyện gì, mà đầu nghĩ linh tinh cũng chẳng cảm thấy sợ hãi. Chỉ có điều mùi máu cứ luẩn quẩn đâu đây. Sau lưng tôi, dưới chân tôi, xung quanh tôi. Đến khi bước lên thùng gỗ kéo ròng rọc, tôi vẫn cảm giác mùi máu kia không chỉ đi theo mình, mà đọng lại rõ ràng nhất nơi bàn tay.

Sợ hãi không phải vì máu đã nhuốm tay mình, mà sợ hãi chính là cảm giác được đây không phải lần đầu tiên. Lúc bước ra khỏi hang đá, tôi nhìn sư phụ trong giây lát, chẳng biết nói gì, mà cứ nhìn mãi.

Đuốc tắt, trăng trên đỉnh bị mây che mất, sân vườn bỗng lặng như tờ trong một màn đen đặc.

“Có nhớ được gì không?” – Sư phụ hỏi tôi, giọng nhẹ nhàng mà xa xôi.

“Nhớ gì ạ?”

“Vậy là được rồi”

Người khoát tay, vạt áo chạm nhẹ cánh tay tôi rồi biến mất. Bước chân dần xa, người không ngoảnh lại.

“Ngủ thôi Hàn Nhi. Những ngày tiếp theo sẽ không còn dễ dàng được như thế”

Lần đầu tiên tôi nhận thức được hiện thực phũ phàng không phải cứ muốn bỏ qua là được khi nó đã từng là một phần bản thân, bởi chối bỏ nó là chối bỏ chính mình. Thức ba đêm liền, mệt mỏi như thế, mà tôi cứ thao thức mãi. Tôi bận nghĩ rằng kiếp trước mình là thái y như bản thân vẫn tưởng, hay lại làm điều gì đó khiến bàn tay này nhuốm quá nhiều máu?