1.

 

Sư phụ nói rằng tôi được sinh ra ở một làng chòi nhỏ nơi cửa sông trong một gia đình hơn ba đời làm ngư dân. Ngày tôi sinh ra trời đang rét đậm tháng 12, lúc vỏn vẹn mới tròn bảy tháng trong bụng mẹ. Thân thể chưa hoàn chỉnh ra đời đã phải chống đỡ với cái rét cắt thịt trong điều kiện vải quấn người rách mướp, bếp lửa hồng chỉ chợt bị gió thốc từ biển mang theo hơi mặn thổi tắt. Lúc tôi được hai tháng tuổi, cơ thể cơ hồ không chịu nổi qua một đêm mưa tầm tã không gió quật không biển thét, nhưng lạnh đủ cướp đi sinh mạng bé nhỏ. Mẹ ôm tôi nước mắt đầm đìa, răng trên cắn môi dưới rướm máu, nhìn bố quỳ trước cửa nhà dưới những tia nước nặng nề, khóc than van xin ông trời lần cuối. Tôi đói ăn gào khóc trong vòng tay mẹ cơ hồ muốn ngất đi. Bỗng một tia chớp loé sáng muốn xé toạc trời, đánh thẳng xuống mặt biển dập dềnh. Tôi nín bặt, nhìn ra ngoài mây mờ dần tan đi cho đến khi ánh trăng tròn vạnh nguyên hình. Mưa đã dứt, lòng người đứt quãng. Chỉ có mẹ hai mắt mở to kinh ngạc, bố thất thần nhìn trăng, không nén khỏi đau thương trên nét mặt. Ông biết ông đã thề với trời đất điều gì. Đêm khuya tiếng mưa át tiếng đất trời, lời thề ngoài bố biết, mẹ biết, còn có ông trời biết.

Còn tôi vừa sinh ra đã có khả năng ghi nhớ và nhận thức tất cả ký ức trong đầu, lại không biết.

Cả đêm ấy, mẹ lấy chiếc áo mới mà bà may đã hơn một năm trước khi mang bầu tôi còn chưa dám mặc, cắt những thứ vướng víu như cổ áo, tay áo, may lại những đường sơ sài, lại gập làm đôi, may thêm vài đường, làm thành chiếc áo sơ sinh ấm áp cho tôi. Chiếc áo ấy, ngoài máu chảy lúc đường kim lạc tay run còn có nước mắt mặn chát của mẹ. Bố trầm ngâm khều bếp lửa hồng, đôi mắt như dán chặt vào màu đỏ đang nhảy nhót trước mặt. Đêm lặng đến kinh người, chỉ có tôi thi thoảng khóc nấc, khóc đến mệt tự khắc ngủ trong chiếc võng con con.

Mẹ cả đêm không ngủ, tờ mờ sáng chuẩn bị nắm cơm, cá khô và nước ngọt đủ dùng trong mấy ngày liền, sữa vắt sẵn ủ trong túi vải, rồi đem bọc cẩn thận trong chiếc túi rút sờn bạc vì nước biển. Còn bố thu vén vài đồ đạc cần thiết cho cả hai, đơn giản nên nhanh chóng. Mặt trời vừa tròn vạnh trên mặt nước biển, mẹ ôm tôi, thủ thỉ, khẽ hôn lên trán như thể đây là lần cuối tôi được nhìn thấy bà, sau đó chuyền tôi cho bố, bật khóc trong không gian tưởng chừng chết lặng. Bố vái tạ đất trời, sau đó bế tôi đi, để lại ánh mắt thất thần của mẹ đằng sau lưng.

Bố đi sâu vào trong làng, men theo dòng sông đến con suối nhỏ nơi chân núi, nhìn lên núi cao chấm trời không khỏi nén tiếng đau thương. Ông men theo con suối nhỏ trèo lên núi, lúc mệt thì nghỉ uống ngụm nước, ăn nắm cơm rồi lên đường, cách vài tiếng lại không quên cho tôi bú sữa trong bình được bọc mấy lần dây bện giữ ấm. Tối đến bọc tôi ấm áp, trèo lên võng mắc cao trên chạc cây, ngủ giấc chập chờn có mà như không. Cứ thế ba ngày trời cuối cùng cũng lên đến đỉnh núi lúc chiều tà. Mặt trời đỏ rực phía sau chiếu những tia nắng cuối cùng nhàn nhạt, ánh lên màu chia ly. Bước đến trước chiếc cửa gỗ có mái che được khảm vào trong vách đá, bố nén tiếng thở dài, gõ ba tiếng rõ ràng. Chưa đầy một khắc sau, một ông cụ tóc đốm bạc vấn cao ra mở cửa, không nói gì đỡ lấy tôi.

Đó là sư phụ của tôi. Người sẽ cưu mang tôi mười chín năm bảy tháng còn lại.

Một ánh mắt nhìn bố, một ánh mắt nhìn trời, sau đó sư phụ đem tôi bế vào lòng, xoay lưng rồi lệnh tiểu đệ tử đem cánh cửa gỗ đóng lại.

Đó cũng là lần cuối tôi nhìn thấy bố. Mà ký ức cuối cùng ghi nhớ được lại chỉ là ánh mắt thất thần ngược sáng chiều tà – ký ức mà tôi chỉ có thể quên đi khi chuyển kiếp nạn.

Tôi từng hỏi tại sao số tôi chỉ được ở bên cha mẹ hai tháng, có phải là quá bất công. Cha mẹ tôi vất vả như vậy mà tôi còn không có cơ hội báo đáp ngày nào, 7 tháng dày vò trong bụng mẹ, hai tháng ra đời cũng là khổ cực. Sư phụ nghe xong chỉ cười xoà, bảo rằng tôi 7 tháng dày vò trong bụng mẹ, hai tháng mười ngày dày vò trong vòng tay, đủ chín tháng mười ngày kiếp nạn ở bên cạnh họ đã hết. Giờ là lúc tôi chuẩn bị để chuyển sang kiếp nạn khác, mà sư phụ chính là người giúp tôi gánh đỡ nạn ở kiếp này. Tôi ở đây là sống, tôi bước ra ngoài nghĩa là kết. Thế nên từ bé đến lớn, tôi không bao giờ được bước qua ranh giới một phần ba đỉnh núi này.

Bốn tuổi, sư phụ thường để sư huynh dẫn tôi đi vòng quanh hang đá, thu nhặt những thứ cây mà người trồng, đồng thời đi sâu hơn chút nữa để nhặt nấm và rau củ có thể ăn được cho ngày hôm sau. Lúc chiều tà về đến cửa gỗ hang đá, tôi thường đưa mọi thứ trong gùi cho sư huynh nhờ anh mang vào, còn mình lại ngồi thẫn thờ nơi mỏm đá chìa ra, ngắm mặt trời lặn trong trạng thái khó chịu bứt rứt khôn nguôi.

Một hôm sư huynh ngồi xuống, cùng tôi ngắm mặt trời lặn. Thấy tôi ngồi im bất động, ngắm mặt trời không chớp mắt thì lấy làm lạ.

– Nhìn muội như người mất hồn.

– Muội cũng không biết nữa, chỉ thấy khó chịu trong lòng.

– Biểu hiện thế nào?

– Ruột như có kiến bò, dạ dày thỉnh thoảng cồn cào, đồng thời thấy hơi rấm rứt ở nơi nào đó không rõ.

Là vì bình thường nghe sư phụ bắt mạch cho người ta nên lời nói ra cũng chỉ biểu đạt được đến đó. Phục Hy nhìn tôi, ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời.

– Là lục phủ ngũ tạng có vấn đề chăng?

Liền một tuần sau đó sư huynh bắt tôi uống nghệ pha nước, đắng không thể tả, lần nào uống xong cũng chỉ muốn quăng chén mà đi nôn. Sư phụ thấy lạ hỏi thăm, nghe xong sự tình, người cốc đầu Phục Hy một cái, tôi một cái.

– Hai cái đứa này, tự động bắt mạch bốc thuốc cho nhau thật chẳng ra làm sao cả.

Phục Hy xoa xoa đầu, nhìn sư phụ với ánh mắt không phục nhưng chẳng dám nói nên lời. Chỉ có tôi khóc oà, nghĩ rằng mình bị bệnh lạ sắp chết đến nơi rồi.

– Sư phụ, vậy con bị bệnh gì?

– Không phải là bệnh, chỉ là cảm giác nhớ nhung đơn thuần.

– Nhớ? – tôi ngơ ngác – Có thứ bệnh nào buồn phiền đến thế sao?

Chưa bao giờ tôi nghĩ ra, tại sao nhớ nhung phải buồn. Có một ai đó để nhớ, có khi lại là niềm vui vô hạn không biết chừng. Nhưng tôi mới hai tháng tuổi đã xa rời vòng tay cha mẹ, căn bản cũng chẳng có gì nhiều để nhớ. Số người tôi gặp được lại chỉ vẻn vẹn bốn ngón trên một bàn tay. Cha mẹ quá xa vời, sư huynh và sư phụ lại ở sát bên, căn bản chẳng có ai để nhớ. Vậy mà nỗi nhớ của tôi cứ dài dăng dẳng, càng chiều về càng day dứt. Tôi buồn chính là vì nhớ mà không thể nhớ ra mình đang nhớ ai, ôm cảm xúc đong đầy nhưng mơ hồ khiến tôi cảm thấy khó chịu. Khó chịu đến mức ước rằng mình có thể bật nước mắt mà khóc.

Tôi hỏi sư phụ, rốt cục tại sao mình phải nhớ? Nhớ ai? Người chỉ trầm ngâm nhìn trời, sau đó phẩy tay không trả lời.

– Lòng dạ con con tự biết.

Cuộc sống quanh quẩn nơi đỉnh núi khiến tôi quen dần, cũng chẳng biết nhàm chán là gì, chẳng mong đi xuống dưới kia để xem có chi. Tôi nghĩ mình có thể cứ an nhàn mà sống ở đây cả đời, nhưng cảm giác nhớ nhung khó chịu kia lại khiến trong lòng tôi không ngừng thôi thúc, mỗi khi thấy mặt trời về chiều chỉ ước mình có thể tung người, ôm gọn mặt trời kia lao xuống đỉnh núi, biết đâu có thể tìm được thứ giải đáp cảm xúc khó chịu trong lòng này.

2 Comments

Đã đóng bình luận.