Cứ nghĩ là phải viết cái gì đó cho Giáng sinh trong lúc hỗn độn nhiều thứ như thế này, nhưng nghĩ lại ngày ông già Noel phát quà những năm trước của mình cũng chẳng có gì đặc biệt lắm, vì tuổi thơ được bác cho quà, cho bánh, cho mũ đỏ có chỏm trắng đã xưa lắm rồi. Xưa đến nỗi mà nghĩ đến, hình ảnh cứ lung linh trong đầu chứ không còn rõ ràng như những dòng đang gõ trước mắt.
Thế rồi đọc sách, tác giả có câu: “…trên Trái Đất này, đứa con bé bỏng nào cũng hay lẽo đẽo theo cha, và tình phụ tử ở đâu cũng đều thiêng liêng và ấm áp”. Nghĩ đến đây, thấy cái trí nhớ của mình sao lạ quá! Lưu giữ rất nhiều, cảm xúc rất vẹn nguyên, nhưng nhiều khi không chạm đến thì chẳng tài nào khơi ra được. Có đọc đến từ “lẽo đẽo”, mới thấy mình đúng là đứa chuyên “bám” từ cái hồi bé thơ.
Và chuyện bé thơ đi “bám” thì mình có nhiều lắm!
Nhỏ chân đi, có khi khóc lóc đòi theo bố mẹ đến nỗi khóc từ lúc bố mẹ đi làm đến khi về nhà, sau thành chuyện châm cười cả nhà ai cũng biết. Thế mới thấy mình dai dễ sợ, kiên trì dễ sợ, cái gì chứ đòi được thương yêu và quan tâm là phải đòi tới cùng!
Rồi thì bố cũng hay đi giống mình (nghĩ ra thì bố cho mình gene này chứ đâu), thế nên thời còn ở nhà cũ, đường cũ, chiều nào bố cũng xách xe đi dạo một vòng, mình ngồi sau líu lo. Cái cảm giác lưng bố to to chắn phía trước, đôi khi cái hình ảnh mình phải “ôm eo” ngó qua ngó lại mới nhìn thấy đường để hóng cứ lượn lờ trước mắt mỗi khi nghĩ về.
Hồi ấy còn nuôi con Kít mắt trắng lông đen (chó bốn mắt mà lị), nhiều buổi vui vui còn cho nó lên giỏ xe của mẹ, đi vòng vèo hết đường lớn đến tối mới chịu thôi. Không biết chó cưng có sợ không, nhưng mà mình vui hết sảy.
Nhớ hôm táy máy chân tay làm đổ ầm cái ghế gỗ hương vừa to vừa nặng lúc cả nhà đang xem “Văn nghệ chiều chủ nhật”, phá hỏng cả mạch lạc câu chuyện và sự chăm chú dõi theo phim. Thế là mình bị bố bắt đứng úp mặt vào tường từ lúc ấy đến khi hết tập. Chiều tà sau đó, bố lại xách xe “đi công chuyện”, mà lúc đi cứ khè mình có muốn đi hay không. Mình muốn lắm mà lòng tự ái cao ngất, nhất định không thèm xin lấy một câu, vừa úp mặt vừa tiếc rẻ. Bố đi về rồi vẫn tiếc.
Nghĩ lại thấy hồi ấy “con nít” ghê, không nhớ tới tương lai sau này lớn uỳnh sẽ có lúc thèm những lúc được bố rủ rê như vậy!
Nghĩ đến là trào nước mắt!
Thế rồi lớn hơn chút xíu, sáng đi học chiều ở nhà rảnh rỗi vì vốn ghét đi học thêm giống bạn bè. Hồi ấy bố thích đi xem đất dù nhà chẳng có mấy tiền. Thế là hai bố còn lại rong ruổi theo những vòng xe máy. Bố ba lỗ ngồi trước, con quần cộc líu lo sau lưng. Mình được cái nói nhiều, gì cũng muốn hỏi, muốn chia sẻ, muốn “đàm đạo”. Thế là mỏi miệng từ lúc đi đến lúc về. Sau mới biết đó là cách lấy năng lượng tốt nhất của mình. Hèn chi về nhà khi nhá nhem tối trong tâm trạng phơi phới dù chẳng có tiền mua đất và bữa cơm mẹ dọn sẵn sau đó lúc nào cũng ngon.
Rồi thì Giáng sinh đến, bố biết con gái ở nhà trông buồn thiu, cũng muốn đi đâu đó nhưng lại không dám đề nghị gì. Thế là bố lại xách xe, rủ rê đi lòng vòng ngắm người đông phố chật, chỉ để hít hà cái không khí tấp nập ngày lễ. Chốc chốc bố lại dừng trước cửa nhà thờ bắt gặp trên đường, để con gái ngắm hang đá trang trí, ngước cổ nhìn đèn treo lấp lánh. Sau này xa nhà rồi, Giáng sinh cũng không còn mấy hấp dẫn.
Họ hàng các bác ở xa nhà 50km, thường đi bằng xe bốn chân thay vì hai bánh cho đỡ mệt. Nhưng có hôm thấy bố đi xe máy lên, lúc về mình nhất quyết đòi ngồi sau xe. Hôm ấy buồn ngủ vật ngờ, đầu ngật ngờ xém ngửa mấy lần. Bố sợ quá dừng xe mắng cho một trận. Sau lúc ấy tỉnh ngủ, nhưng cái miệng lại đến lúc táy máy. Thấy có tai nạn trên đường không kìm được thốt lên vài tiếng. Bố tưởng hỏi gì, dừng xe “cho mình nói” hẳn hoi (vì mũ bảo hiểm ôm kín đầu kín tai có nghe rõ được gì đâu). Thấy chuyện chẳng có gì mà mất thời gian dừng lại, bố la thêm lần nữa. Buồn quá, im luôn. Thấy có lỗi hơn là ấm ức. Thương bố đoạn đường xa còn chịu đứa hay nhoi như mình.
Lớn lên chút nữa lại bị học thêm nó làm cho tối mắt. Vẫn ngồi sau xe bố hai buổi đến trường nhưng chuyện đã giảm, vì con gái có nhiều tâm sự ít sẻ chia. Nhưng lắm lúc “bắt trúng mạch” là mình lại nói thả phanh. Đôi khi chuyện chưa dứt mà cổng nhà đã hiện ra, chỉ mong vòng xe đi lại thêm lần nữa…
Rồi thì con cũng phải đi thi đại học, bố không quản sức khoẻ và thời gian, tự mình xách xe máy chạy hơn 160km từ nhà xuống Quy Nhơn chỉ để hai bố con có phương tiện đi lại. Ngồi sau lưng bố im như cái nhíp, vì không muốn lặp lại cái lần líu lo làm phiền người chăm chú chạy xe nữa. Hồi ấy nhớ mình học tủ thơ cách mạng, tay cầm cuốn sổ ghi chép lời dẫn chứng, học thuộc như đúng rồi. Đoạn nào dừng xe nghỉ ngơi là lại lôi ra “nói chuyện văn thơ” với bố để ôn bài. Kì thi năm ấy ra văn học lãng mạn, nghĩ lại vẫn thấy ấm ức. Nhưng văn thơ nào rồi cũng quên, ấm ức nào cũng hết, chỉ có kỉ niệm chạy xe từ phố núi xuống đồng bằng năm ấy là nhớ mãi.
Hai bố con hai mình nơi thành phố biển – lạ lẫm với mình nhưng thân thuộc với bố. Chiều mát bố con ra biển ăn bắp nướng, ngắm mặt trời lờ đờ đâm đầu xuống nước. Thường là bố sẽ bơi đến chỗ người ta cấm không cho bơi nữa thì thôi, còn “cục đá” mình đây sẽ ỳ oạp vùng an toàn. Chỉ cần bố lại gần là sẽ gạ gẫm bố cho mình mượn vai, thế là bố đi trước (lúc bơi lúc không) mình nắm chặt vai bố cố nổi, đạp nước đi qua đi lại. Sau này nắm vai người khác đòi vậy bị người ta la oai oái mới biết làm như vậy rất khó, vì mình rất nặng. Thương bố một, mà cảm phục tài bơi của bố hai.
Tối tối bố hay chở mình đi lòng vòng trông biển nhìn phố xả hơi; cho mình ngắm những nơi bố đã từng đi, từng ở, từng gặp bè gặp bạn; kể cho mình nghe câu chuyện thời trai trẻ hào hùng cũng từng có thằng bạn “trùm chợ” ngày đạp xích lô, dao phay giấu dưới nệm…
Rồi thì con gái đi học xa nhà. Thời gian trước lúc xa nhà mình thường sáng sớm chạy bộ, trưa chiều cắm lỳ trong phòng vẽ vời. Hồi đó sợ lắm đối diện với bố, vì nghĩ mình rớt rồi, gặp bố đau lòng lắm. Nhưng rồi số sống xa nhà, không ai đuổi cũng vẫn phải đi. Những ngày ở nhà tự mình chạy lên chạy xuống lên trường lo giấy tờ điểm số, cứ thấy đi một mình thế này buồn chết. Bố ơi chở con theo với…
Thành phố mới, người mới. Nhiều lúc nằm nhà tự kỉ cứ nghĩ đến kỉ niệm cũ với người, với tấm lưng gầy xương, với những đoạn đường thân quen nơi quê nhà, với thành phố biển chôn giấu kỉ niệm đi thi… Nhớ lắm không biết gọi tên sao, chỉ có lặng lẽ nước mắt chảy dài.
Đi học xa nên tranh thủ nghỉ ngày nào là về nhà ngay ngày đấy, mặc kệ đoạn đường gần 600 km gập ghềnh khó đi. Sáng sớm mở mắt ra có mẹ, có bố, có chị chở về. Thường là sau đó sẽ ngồi sau lưng bố hít thở khí trời cao nguyên, đi ăn sáng quán quen, đi thăm mộ nội. Mình lại líu lo kể chuyện lạ đã gặp, người hay đã quen, những dự định sắp tới… Đôi khi thấy chỉ có mình nói, nói nhiều mà bố vẫn lắng nghe, thương bố vô hạn. Chỉ muốn nói với bố rằng, cảm ơn đã để con được chia sẻ, được là chính mình. Bố biết không, đó cũng là cách con thể hiện tình yêu với bố.
Giờ thì chẳng lớn, cũng chẳng bé nhỏ. Tuổi lỡ cỡ thèm lắm những lúc được “bám”, được “lẽo đẽo”, để lớn dần lên theo những vòng bánh có tấm lưng gầy cao che chắn trước mặt. Sau này cũng bám lưng nhiều người, nhưng chẳng có lưng ai bằng lưng gầy mình yêu.
Viết đến đây, thấy mỗi dòng mình viết ra đều có bóng mẹ thấp thoáng đâu đó. Mẹ ơi, con yêu bố mẹ nhiều như nhau (tình yêu đầy không phân biệt ai cả), nhưng hôm nay con xin được nói về bố. Vì con gái đối với bố mà nói, có rất nhiều cảm xúc đặc biệt ý nghĩa riêng như con gái và mẹ vậy 🙂
——————————————-
Cảm ơn dòng viết Tony đã khơi nguồn cảm hứng và anh Trương Nhật Minh đã cho em mượn sách.
Cảm ơn Thầy Nguyễn Đăng Quang đã chia sẻ với em câu chuyện cảm động của mình.
Cảm ơn anh Võ Hoàng Chu Kiệt đã cho em thêm cái nhìn rất hay về người cha.
Và cảm ơn bố mẹ đã cho con nhiều thứ, đặc biệt là những kỉ niệm hiếm có khó tìm, rất riêng rất đẹp đẽ, đến mức ngồi ngẩn ngơ nghĩ về mà nghẹn ngào trong tim.
Chiều Sài Gòn nhớ nhà
14/12/2014
* xách xe = sử dụng xe (từ hay dùng nên gần như mặc định là đúng rồi)