2.

Nuôi tôi đã từng rất khó, nhưng giờ tôi lại có thể sống vô cùng dễ dàng, tựa như mầm cây đã chui ra khỏi mặt đất, được hứng sương và ánh mặt trời thì cứ thế đâm thẳng lên. Năm đầu phải bú sữa mẹ, tiểu đệ tử của sư phụ – sau là sư huynh của tôi – cứ cách ba ngày lại xuống ngôi làng ở lưng núi một chuyến xin sữa cho tôi. Ngày xưa cha tôi leo ngược dốc không thuận đường, tâm hồn xáo động vô cực lại chỉ cắm cúi đi không màng phương hướng nên mất hơn ba ngày trời mới đến. Còn sư huynh rành đường tắt, thân thủ nhanh nhẹn, đi đường xuôi dốc lại chỉ đến chân núi nên sáng đi, chiều tà đã tới, mà sữa được giấu trong ngực áo nên lúc đến miệng tôi cơ hồ vẫn còn hơi ấm. Sư phụ và sư huynh phàm đều là nam, nuôi tôi có chút vất vả và vụng về nhưng không phải là không làm được.

Lớn thêm chút nữa, tôi được nếm đủ các loại thực vật trong rừng, trong nhà. Đến lúc 5 tuổi ngoài thực vật xung quanh lại còn được thử thêm đủ các loại trân cầm dị thảo, thuốc quý cỏ hiếm, lại còn có những loại sư phụ tự tay lai tạo trong cốc. Lớn thêm chút nữa, chừng 7 tuổi rưỡi, phàm là thực vật tôi đều đã nếm qua, độc thì nếm cùng thuốc giải, mà đã nếm qua đều ghi nhớ.

Sư phụ tôi ít nói mà nghiêm khắc, ngoài hai tính đó ra còn có phần quái dị. Cái quái dị nhất của ông chính là cái gì cũng muốn dạy, cái gì cũng bắt tôi học. Bách Phục Hy – tức sư huynh của tôi còn có cái học cái không, còn tôi, phàm cái gì cũng phải kinh qua, không nhuần nhuyễn thì phải thành thục, không thành thục phải rành, không rành phải hiểu, mà không hiểu thì cũng phải biết. Tôi nhờ thể chất không tốt, bốn tuổi đã phải luyện khí công, năm tuổi học võ, bảy tuổi học thêm múa kiếm… Sáng gà gáy chưa mở mắt là tôi đã bị Phục Hy đập dậy, rồi hai đứa líu ríu mắt nhắm mắt mở đi theo sư phụ qua con đường mật đạo thẳng vào sâu trong hang, đến chỗ hõm đã có nước từ trên đỉnh thác chảy qua ở phía bên kia chỏm núi. Sư phụ ngồi chính giữa phần đá nhô ra đang bị nước bào mòn mỗi ngày, hai đứa tôi ngồi hai bên cùng thiền. Trời rất lạnh, nước lại cơ hồ như nước đá, dù không chảy trực tiếp lên người nhưng những tia nước bắn lên mạnh mẽ cũng đủ rét run. Vốn thiếu ngủ lâu ngày, ngày này chồng lên ngày kia, khiến cho tôi và Phục Hy cùng mắc bệnh mất ngủ kinh niên, nước có lạnh, có ướt cỡ mấy cũng không thể ngăn hai đứa thôi gà gật. Một tiếng rưỡi ngồi thiền thì chỉ có nửa tiếng sau khi mặt trời ló dạng là tĩnh tâm. Thế nên sau đó hai đứa lúc nào cũng bị chịu phạt gánh nước từ hồ trên cao về hang. Phục Hy gánh nước dùng trong ngày, còn tôi gánh nước tưới cây, vừa tưới vừa nhẩm tên, thuộc tính cùng trăm thứ hầm bà lằng liên quan trong vườn cây kì dị của sư phụ. Phục Hy lớn hơn tôi năm tuổi, qua hai năm ngồi thiền ba người đã học được cách khống chế cơn buồn ngủ, thế nên chỉ có tôi phải chịu phạt sau đó với số nước gánh gấp đôi. Nhiều khi đi dọc hai luống cây, tôi nhận ra mắt mình nhắm nhiền, miệng lẩm bẩm như tụng kinh nhưng thực ra đang nói nhảm, trong khi chân vẫn bước về phía trước. Sau đấy nếu không đâm sầm vào cây cột chống giàn hoa thì cũng tự mình vấp mô đất mà té.

Lúc tôi chịu phạt xong thì sư phụ và Phục Hy đã ăn sáng xong, nhàn nhã uống trà. Trong lúc tôi dọn phần đã ăn xong của cả ba thì Phục Hy giúp sư phụ chuẩn bị sách vở. Hai đứa nghe giảng đến trưa, hôm thì y học, hôm thì huyệt đạo, lúc chiêm tinh học, khi thì độc học… Mỗi ngày bài học một biến hoá, mà càng về sau càng hay, càng hấp dẫn. Học rất vui, nhưng cuối buổi kiểm tra bài mới thực là ác mộng. Tôi không chỉ vụng về mà đầu óc còn cực kì có vấn đề. Cứ đổ lỗi là do sinh non, ra đời đã yếu đuối, nhưng tính tôi lại không mấy nhẫn nại, dù lời thầy giảng rất hay nhưng thi thoảng mất mất tập trung theo mấy con chim đủ sắc đang chuyền cành. Mà tôi lại không chịu ghi chép, vì sư phụ giảng nhanh đã đành, còn vì chữ tôi rất xấu. Nếu Phục Hy là “người đẹp viết chữ đẹp” ngàn năm có một như anh ta tự xưng, thì tôi chính là “mặt ma chê, chữ quỷ hờn”. Thế nên Phục Hy được khảo bài trước, xong thường ngạo nghễ ngồi một bên với khuôn mặt đầy sỉ nhục khi tôi đến lượt trả bài. Sau nửa năm không thấy tiến bộ, một hôm do tôi nhầm lẫn giữa chòm sao Thần nông và Ngưu lang vốn chăn ngựa trên thiên đình khiến sư phụ giận tím tái hất đổ ổng bút mà đứng bật dậy. Cuối cùng sư phụ phất áo bảo hai đứa chúng tôi đi theo vào sâu trong cốc, với trên kệ cao lấy xuống một chiếc lọ thuỷ tinh đế gỗ ống trụ, trên có lỗ thông hơi, dưới có lỗ thoát nước, trong có trồng một loại cây xanh thân trắng, chỉ có mầm mà không có lá, nhỏ bé nhưng bộ rễ phía dưới tựa như thân đa lâu năm thu nhỏ. Sư phụ mở nắp hộp, để hiện cây rõ ràng trên bệ gỗ, sau đó liền tay bẻ đi phần thân trên cùng ngọn mầm kia đưa cho tôi, sau đó chụp nắp, đặt lại cây chỉ còn trơ bộ gốc rễ lên chỗ cũ rồi lệnh cho tôi ăn. Tôi không chần chừ bỏ vào miệng mà nhai. Thân ngọt và mọng nước như củ cải, nhưng mầm lại đắng tựa mật nhân khiến tôi suýt nữa thì nuốt không trôi. May mà lưỡi đã thử đủ loại thực vật trên đời, đắng hơn hay cay hơn cũng đã từng kinh qua nên không mấy bất ngờ.

– Đây là Nhạn thảo do ta tự tay lai tạo, có công bổ não, tăng cường trí nhớ, kích thích suy nghĩ mà ta để dành bấy nhiêu năm. Cây trồng đã mất chục năm, để ra được mầm lại mất thêm ba năm nữa. Vốn định để ra đến tầng mầm thứ hai sẽ cho cả hai đứa, nhưng…

Sư phụ chậc lưỡi nhìn tôi như thể muốn đem hơi thở dài từng ấy năm đưa ra khỏi cổ họng một lần, mà tôi bị “sỉ vả” trong lòng không chỉ lời nói đầy ý tứ của sư phụ mà còn có ánh mắt uất ức của Phục Hy đang hướng vào mình chằm chằm.

– Phục Hy, để con phải thiệt thòi rồi. Muốn thân rễ này ra mầm lần nữa chí ít cũng phải ba năm.

Phục Hy chỉ gật đầu với sư phục mà không nói gì, nhưng ánh mắt kia cơ hồ như ngàn chiêu múa kiếm chỉ ức không lấy mạng tôi ngay lúc này.

Nhờ Nhạn thảo mà tôi bỗng chốc trở nên tinh thông mọi thứ, không chỉ học gì cũng vào, đọc gì cũng nhớ, mà ngay cả bệnh mất ngủ kinh niên hay buồn ngủ bất chợt không mở nổi mắt cũng chấm dứt. Ngoài lúc nhắm mắt ngủ ra thì luôn tỉnh táo. Mà Phục Hy ánh mắt nhìn tôi cũng sắc bén lên vài phần, hận không thể trước mặt sư phụ thể hiện sự ghen tị cùng ghét bỏ đối với con nhỏ “may mắn lụm được bí kíp” giống tôi. Nỗi hận đó chỉ chấm dứt khi cuối cùng Phục Hy cũng được nếm tầng mần thứ hai của Nhạn thảo, mà đó đã là ba năm sau, khi tôi nhận được không ít bẫy trả thù của tên sư huynh cùng là môn đồ nhưng không cùng số kiếp này.

Trưa nào ăn cơm xong tôi và Phục Hy cũng tập bơi tập lặn, tiêu cơm thì bắt đầu luyện khí công, luyện võ. Trong lúc Phục Hy được sư phụ dạy kiếm thì tôi tập quyền. Vì sư huynh lớn hơn nên luôn đi trước tôi một bậc. Lúc sư phụ vắng nhà thì anh ta chính là người thay sư phụ dạy tôi. Thế nên ngoài chơi khăm và đặt bẫy Phục Hy, tôi chưa bao giờ dám so võ công hay nội lực với anh ta.

Sư phụ bảo số của tôi trong kiếp này chỉ để trả nợ, nhưng trả nợ gì, nợ ai thì tuyệt nhiên không bao giờ nói cho tôi biết, mặc cho sự tò mò vô hạn của tôi “dày vò” mỗi ngày. Càng lớn lên, tôi mới biết rằng cái thứ còn vô hạn hơn sự tò mò của mình chính là sự lạnh lùng của sư phụ. Ẩn sâu thẳm trong con người điềm nhiên tĩnh lặng kia chính là lòng yêu thương đệ tử và chúng sinh nhưng không thể nào chạm tới, còn bên ngoài chính là lạnh lẽo lớp lớp đá tảng không ai muốn chạm. Trừ những lúc sư phụ chủ động nói chuyện, giảng bài với chúng tôi còn có chút ôn nhu của người thường, còn lại đều khó đoán, khó nắm bắt, như thể sư phụ không phải là người cõi này. Thế nên dần dà tôi cũng thôi hỏi chuyện, nhưng kể từ sau mỗi khi gặp phải đau thương hay khổ nạn, tôi đều vin cho cái chuyện trả nợ ở kiếp này khiến sư phụ phải lắc đầu ngao ngán mà sư huynh thì nhìn tôi bằng ánh mắt bất mãn, mi mắt như đường kẻ chỉ hé một chút xíu.

Sư huynh kể rằng xưa khi anh ta lên núi bái sư, nơi đây rất đông đúc. Đệ tử tìm đến sư phụ không ngày nào không có, nhưng số được sư phụ nhận vào mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chẳng biết sư phụ bắt đầu nhận đệ tử từ khi nào, chỉ biết đến năm 19 tuổi đều phải xuống núi, còn bé nhất thì cũng phải năm tuổi mới đủ nhận thức để dạy. Vì thế đệ tử của người tản mát trong nhân gian rất nhiều.

– Nhưng từ khi ta vào, không thấy người nhận thêm đệ tử nữa. Nghe các sư huynh sư tỷ kệ lại, trước ta mấy năm cũng không có nhận thêm ai. Hơn nữa, khi ta vào đây được một năm, sư phụ bỗng dưng bắt tất cả đệ tử xuống núi mà không giải thích câu nào.

– Vậy chẳng phải chúng ta là trường hợp đặc biệt sao? – tôi chỉ vào mình và Phục Hy – Huynh và ta đều được nhận trước năm tuổi, hơn nữa những người kia đều đã bị đuổi đi hết, giờ chỉ còn lại ta và huynh.

Phục Hy nhìn tôi, ánh mắt vừa khó hiểu vừa ánh lên tia cười, cuối cùng lắc đầu.

– Muội cứ nghĩ đơn giản thế cũng được. Còn ta thấy không đơn giản chính là muội.