20151221

Giờ ngẫm lại, phải thừa nhận một chuyện, rằng mỗi người, mỗi việc đến với tôi trong đời này đều có một lý do nào đó. Cũng bởi một lý do nào đó, mà ta sẽ chọn việc ở lại hay rời bỏ.

Thường thì là rời bỏ.

Vì ngẫm lại, có cái khác đúng hơn: mỗi người, mỗi việc đều chỉ phù hợp trong một thời điểm nhất định mà thôi. Khi quyết định rời bỏ nó, không phải vì nó không còn đúng nữa, cũng không phải vì không cần nó nữa, mà có lẽ vì nó không còn phù hợp nữa.

Có vẻ lằng nhằng, nhưng nó thực sự là như vậy.

Dạo gần đây, những việc đang làm, cần làm và muốn làm của tôi lại thay đổi. Vì hiếm khi để bản thân làm những cái mình không thích nên hầu hết những cái đang làm là những điều tôi thấy thoải mái. Đọc sách – chủ yếu sách trinh thám, viết nhật ký, xem phim và uống trà nhiều hơn cả. Chẳng có nhiều lý do nào cho việc bỗng chốc uống trà ngoại trừ cho bớt già, cả bên trong lẫn bên ngoài. Tôi có thể dành hàng tiếng đồng hồ, quấn chăn trong cái thời tiết rét mướt và có gió này, đọc sách, sau đó để cho tâm trí đeo đuổi những nhân vật trong đó. Phải nói, hiếm khi nào gặp được cuốn sách đọc mãi không thấy hết, vì nó dài đã đành, nhưng hoặc là nó không đủ hấp dẫn, hoặc khả năng tập trung và đọc sách đã giảm. Nếu là một tác phẩm của Sidney Sheldon thì có lẽ đã khác, nhưng dù là sách khác, đến cả người dịch cũng khác, thì mức độ hào hứng với một cuốn sách chắc chắn sẽ thay đổi. Dù là một người nguyên tắc kì dị theo những điều mình tự đặt ra, tôi phải thừa nhận rằng mình đã từng đọc lướt “007 – Royal Casino”, bỏ qua chuyện đây là tác phẩm rất đáng đọc, rằng nó chẳng dài bao nhiêu, và Vesper lại là Bond girl mà bản thân yêu thích, chỉ vì một lý do: truyện quá khác phim. Đáng lẽ phải nói phim quá khác truyện, nhưng vì tôi xem phim trước, ấn tượng về một tác phẩm lại nằm ở bộ phim chứ không phải ở câu chuyện. Không nói cái nào hay hơn, nhưng việc khắc hoạ Vesper, nét nghĩ của mỗi nhân vật và một số tình tiết khiến cho bản thân gặp khó khăn trong việc ráp nối cuốn sách và những gì đọng lại trong bộ phim. Tâm lý và cách sử sự của Bond có vẻ còn đó, nhưng không còn là Vesper Lynd mà tôi biết. Thế nên tôi đọc lướt đoạn gần cuối và tập trung vào đoạn cuối, nơi khắc hoạ cảm giác và suy nghĩ của một con người bị phản bội. Truyện gấp lại, tôi vẫn giữ được những gì tốt đẹp về một Vesper mà không nhận thức nhầm tác phẩm.

Tôi nhớ đến Vesper trong phim đã từng cảm thấy có lỗi thế nào khi phản bội Bond và cảm thấy day dứt vì đã giấu anh nhiều điều, nhưng lại không thể hiểu tại sao cô ta vẫn có thể nói về chuyện con người làm điều xấu sau lưng người khác như thể mình đang ở một ví trí khách quan. Có vẻ đạo diễn để Bond dành nhiều ưu ái đối với Vesper hơn trong phim khi để anh cứu nàng. Thực sự, trong truyện, anh đã bị quật một lúc quá đau khi vừa biết tin cái chết của kẻ đã phản bội mình. Anh đốt tờ giấy, và xem vụ tự tử kia không khác gì một cái chết trong những nhiệm vụ mình gặp phải.

Điều này làm tôi nhớ đến một câu nói của Trấn Thành: “…hai mắt, hai tai, thậm chí hai mũi hai miệng cũng được, nhưng đừng bao giờ hai mặt…”.

Mà bạn không chịu được cái gì hai mặt, thì bạn sẽ rời bỏ, đúng không?

Dù sao thì, đó chỉ là một trong những trải nghiệm của tôi khi đọc một tác phẩm mà chưa bao giờ – vì quá lười, và vì toàn sách mượn thư viện – mà tôi có dịp ghi nó vào lề như người ta vẫn làm khi đọc. Có lẽ lần sau sẽ nói gì đó về Lisbeth Salander.

Một việc mà tôi khó thể rời bỏ, có lẽ là việc xem phim. Chỉ là thay đổi chút chút khi dạo này chuyển sang xem phim Nhật nhiều hơn. Thường thì tôi chỉ xem một số phim nhất định, mà đa số là phim chuyển thể từ truyện (truyện tranh hoặc chữ). Phim Nhật hơi khó hiểu theo văn hoá người Nhật và đôi khi khiến người xem bị shock (như nhiều cảnh máu me hoặc phát hiện ra thầy tu Nhật Bản vốn thuộc tầng lớp quý tộc, được phép để tóc, và cưới vợ). Nhưng phần lớn những phim mà tôi xem, nó đem lại cho con người sự nhẹ nhàng, suy ngẫm về một cuộc sống bình dị, về việc phấn đấu trong một xã hội chật hẹp và nhều này.

Thực ra, bám vào (stick to) một cái gì đó cũng là vì muốn chạy trốn thực tại. Ngày xưa thường mơ những điều kinh dị mà khi tỉnh dậy có thể thở phào nhẹ nhõm: hóa ra là mơ. Vậy mà giờ đây lại mơ nhiều thứ đẹp đẽ để rồi tỉnh dậy tiếc nuối: hoá ra chỉ là mơ.