Tặng Phương – một chiều gió lớn không mưa.
Chiếc máy đĩa sờn sơn của dượng quay đi quay lại một bài cũ mèm, nhờ thế mà tôi không cảm thấy đau đầu khi dành mấy tiếng liền buổi trưa để nằm ngủ sóng soài nơi nền nhà đầy nắng. Ngồi khoanh chân lười biếng trên chiếc ghế nệm tròn trong cái nắng bỏng da của trời Sài Gòn đầu tháng năm, tôi bắt đầu dụi mắt, mường tượng lại những việc đã xảy ra trước khi chìm vào giấc ngủ xem thử có gì đáng nhớ, đáng mong chờ. Và rồi kết thúc đoạn hồi tưởng bằng một cái nhún vai, tôi đứng dậy, nhảy nhót ra ngoài phòng khách, để những hạt nắng vương vãi trên mái tóc dài rối bù lúc bước qua hành lang không mái che.
Trong bếp, dượng đang nấu món chè nha đam hạt sen – món tủ của mẹ lúc bà còn ở nhà. Hương ngọt thanh của đường phèn lan toả trong không gian gần như oi bức. Tôi bước đến cửa sổ bên gian chái, mở tung cả hai cánh để gió ủa vào, thoả thích đón nắng chiếu lên da mặt.
– Cô gái, con có thể đi biển nếu muốn phơi nắng.
Tôi quay lại, mỉm cười.
– Giờ này năm ngoái, chúng ta đang đi biển nghỉ lễ.
– Ừ, chúng ta hồi ấy thật vui. – Dượng nói và nhìn về phía bức ảnh nhỏ ba người trên kệ, hoài niệm, trong khi tôi lén lau đi giọt nước mắt.
***
Mẹ tôi không phải là một phụ nữ giỏi giang việc nhà nhưng bà luôn biết cách để gia đình nhỏ của mình cảm thấy ấm áp và bình yên. Cuộc hôn nhân không mấy yên ả với bố khiến bà đánh mất con người điềm tĩnh mà vui vẻ của mình. Nước mắt thay nụ cười và sự im lặng nuốt chửng những lời yêu thương. Bố tôi không về nhà nữa. Mẹ ôm tôi bỏ đi, như một sự chạy trốn trong câm lặng. Tôi biết bà còn thương bố nhiều. Nhưng bà thương tôi và chính bản thân mình nhiều hơn. Con người tự do như mẹ tự đặt mình vào cuộc sống hôn nhân đã là một sự hi sinh lớn, giữ tôi bên mình là sự san sẻ lớn thứ hai. Hôn nhân tan vỡ ít ra khiến bà tìm lại được chút thanh thản trong lòng.
Những ngày yên ả sau đó cũng chóng qua đi. Mẹ gặp dượng, bắt đầu một tình yêu không quá nồng nhiệt, không đậm sâu nhưng đủ trong tim. Cái tính lãng đãng của dượng và công việc bận rộn của cả hai khiến bà luôn cảm thấy cuộc sống của mình được làm mới. Họ không dành thời gian cho nhau nhiều nhưng cực kì quấn quít mỗi khi ở bên. Nhất là khi trong nhà bếp lúc dượng đánh trứng và mẹ đổ dầu chờ nóng chảo, nụ cười và vẻ mặt sáng bừng của bà khiến tôi biết đây mới là người mà bà cần.
Dượng di chuyển nhiều. Công việc của một phi công cho phép ông trải bước chân mình lên nhiều nơi trên bản đồ thế giới. Mẹ thì bận suốt với đống đồ chơi thiết kế, khi thì ở nhà, khi thì quán cà phê. Đôi lúc bà dành mấy ngày trời ở trong Studio, để tôi một mình tự đi học tự về nhà, nhiều khi quên mất rằng mình đang sống với gia đình. Cuộc sống chẳng giống ai khiến tôi học được cách chuẩn bị bữa ăn sáng mỗi ngày, không chỉ cho mình mà còn cho người mẹ tay đang lấm lem màu vẽ; biết xếp sẵn hai cây dù ngay gần cửa ra vào hôm trời u ám để người vội đi kịp lấy, và không cảm thấy cô đơn khi ở một mình. Ba người trong nhà chúng tôi tập cho mình thói quen tự yêu thương khi chia xa, và dành cho nhau khoảng thời gian ấm áp đáng nhớ mỗi khi quây quần.
Có lẽ vì thế mà khi mẹ không còn ở nhà, tôi và dượng vẫn học cách dành cho nhau những nụ cười ấm áp để xoa dịu đi cái nhói trong lòng. Chúng tôi đều biết, ngày mà người ở Studio báo mẹ bị ngất trong lúc đang quay clip quảng cáo cho chiến dịch đồ chơi bằng gỗ, cuộc sống đã rẽ sang một hướng mà chúng tôi phải học cách chấp nhận nhiều hơn biện hộ.
Tôi và dượng chia nhau thời gian trực ở bệnh viện, nhưng cuối cùng cả hai quyết định thuê một y tá riêng coi sóc bà. Dù sao, ở bên người mình yêu thương mà thấy họ cứ nhắm mắt như đang ngủ mãi cũng là một nỗi dằn vặt khó tả.
Sau ngày đau buồn tê tái, dượng trở lại với những đường bay, ít hơn, nhưng tôi mừng vì ông không bỏ công việc mẹ vẫn thích ông làm. Tôi thì dành nhiều thời gian trên thư viện trường, không hẳn đều đọc sách bởi trong ba lô của tôi luôn có sẵn những mô hình khắc gỗ đang dang dở vốn thường nằm lăn lóc trên bàn làm việc của mẹ. Bà thủ thư khó tính mới đầu còn bực mình khi thấy bụi và vụn gỗ văng xung quanh chỗ ngồi bên cửa sổ, nhưng dần thoải mái hơn khi tôi dọn sạch sẽ trước khi về và đôi khi ở lại phụ bà xếp lại sách trên kệ.
Tôi được bạn cùng lớp gắn cho cái tên cô-nàng-cầm-dao-khắc-kỷ, không phải vì tôi hay ngồi lỳ mấy tiếng đồng hồ ở đúng một bàn nhìn ra sân trường đầy nắng với con dao khắc và những cục gỗ xấu xí dang dở, không phải chỉ vì tôi trở nên lầm lỳ ít nói hơn một năm trở lại đây, không phải chỉ vì tôi phớt lờ những lời mời đi chơi của đám bạn, mà vì tất cả những điều trên cộng lại. Tôi trong mắt bạn bè “khắc kỉ” một cách quoái dị, nhưng tôi thấy ổn với điều đó và không có ý định sống khác đi. Ít nhất lúc này là như vậy.
***
Tháng sáu qua nhanh. Kết thúc kì thực tập giữa khoá ở một công ty theo chuyên ngành đang học, tôi bỏ cơ hội được ở lại làm việc bán thời gian để xin vào làm quản lý cho một cửa hiệu bán đồ trang trí trên con phố nhỏ có tiệm bánh nổi tiếng nhờ món trà sữa. Thi thoảng chiều, cậu bạn tên Huy bên cửa hàng bánh sẽ mang cho tôi một ly trà sữa vị chanh, dành vài phút nói chuyện, và hỏi mời xem tôi có muốn qua thử món bánh mới của tiệm. Tôi biết cậu dành cho tôi sự quan tâm đặc biệt, nhẹ nhàng và bình an. Nhưng tôi giống mẹ, cần một cái gì đó có thể xốc mình dậy khỏi cuộc sống lặp đi lặp lại những điều giản dị đến chán ngắt, nhất là khi tôi đã quyết định thu mình vào vỏ ốc bình yên. Có một buổi chiều trời vừa tạnh mưa, cậu rủ tôi cùng đi xem bộ phim mới công chiếu. Chúng tôi ngồi cạnh nhau trong rạp tối, im lặng từ đầu đến cuối. Phim được một nửa thì tôi bỏ về. Cậu đuổi theo nắm tay, tôi vùng thoát ra. Sau đó chúng tôi không gặp nhau nữa. Đúng hơn là cậu không còn lấy cớ trà sữa qua tìm. Tôi biết mình đã quá đáng làm tổn thương một trái tim ấm áp và tự trọng, nhưng tôi không mấy bận tâm, cũng chẳng ân hận đủ để nhắn một cái tin xin lỗi.
Ba tháng sau tôi nghỉ làm. Một lần tình cờ qua cửa hiệu cũ, tôi bắt gặp cậu trong bộ đồ đi chơi với áo thun có cổ xám đen và quần jeans giản dị, tay trái cầm trà sữa vị chanh còn túi bánh mì nướng đầy ụ quàng nơi khuỷu tay còn lại. Tôi gật đầu chào, ngay cả nụ cười nhăn nhó cũng không cố nở. Chúng tôi giao qua nhau như vô tình, tóc tôi vướng qua vai cậu. Mà thực ra, có lẽ chỉ mình tôi chạy vụt qua cậu trong buổi sáng dịu nắng ấy.
Thời gian này tôi biết mình đã bỏ lỡ nhiều thứ, từ những việc mà tôi có thể làm được cho bản thân đến những con người yêu thương tôi. Tôi không đón nhận nhiều, không còn muốn mở lòng ra để hy vọng hay thất vọng. Chấp nhận nhiều đến nỗi bất chấp tất cả. Và để làm được điều đó, tôi tập cho bản thân cái tính ích kỷ, đủ để thấy mình vẫn vô tư gạt phăng mọi sự áy náy trong lòng. Vậy mà ánh mắt nhìn của Huy hôm đó cứ vướng mãi trong suy nghĩ, khiến tôi khó chịu trong những đêm nghẹt thở đến nỗi làm hỏng mẫu gỗ khắc mất dành ba ngày liền chỉ để dựng những nét ngoài cơ bản. Tôi không có ý định nhắn cho cậu dù chỉ một cái tin, nhưng lại muốn bắt máy gọi điện thoại ngay đêm ấy, để chẳng nói gì cả.
Và rồi tôi lại ôm tất cả vào lòng, để nó khẽ trôi qua nước mắt trong những tiếc nấc nghẹn. Dượng đứng nơi cửa phòng, bóng lớn đổ dài trên nền gỗ nhìn đau thương. Lát sau bàn tay to lớn đã đặt lên vai, vuốt nhẹ mái tóc xoăn lúc nào cũng như rối. Tôi ôm dượng thật chặt, không khóc nữa, chỉ có buồn vô hạn. Chúng tôi chìm trong nỗi nhớ người phụ nữ của gia đình, tưởng chừng không tài nào thoát ra được. Chỉ có ngày mới đến, nắng chiếu vào phòng, hai người mắt hấp háy nhìn nhau, nhận ra “À, cuộc sống còn nhiều điều hơn thế”.
***
Trước khi vào học kì mới, tôi gom số tiền dành dụm được trong thời gian làm thêm vừa rồi, tự thưởng cho mình một chuyến đi biển ngắn ngày, một mình. Sau thời gian dài không còn quan tâm đến mạng xã hội, tôi đăng hình và cập nhật tình hình đi chơi nhiều hơn. Sau những chuỗi ngày tự “khắc kỷ”, tôi kết bạn với những con người lạ lẫm không xác định thân thiết lâu dài gặp trên đường đi, thử những môn thể thao cảm giác mạnh và nhảy nhót trong những đêm đốt lửa thâu đêm bên bờ biển. Tôi biết mình thay đổi, không đủ để trở nên vồ vập vào bất cứ mối quan hệ mới nào nhưng ít ra cũng chẳng còn ở trong vỏ ốc. Và tôi biết ai đó vẫn dõi theo mình qua mỗi hình ảnh, dù chúng tôi không nói với nhau một lời nào.
Chẳng khó khăn để nhận ra rằng từ khi mẹ nằm viện, tôi bắt đầu rơi vào trạng thái chờ đợi không có điểm dừng. Đôi khi chỉ là một tiếng điện thoại cũng đủ làm tôi hồi hộp, khi cứ ngỡ đó là tin báo từ bệnh viện. Giống như một nàng công chúa bướng bỉnh, mẹ tôi mãi vẫn chưa tỉnh lại. Thỉnh thoảng ngón tay bà có khẽ động đậy như thế một lát sau đó bà sẽ mở choàng mắt nhìn tôi, nhưng sau đó lại chẳng có dấu hiệu gì thêm nữa. Và cùng với tâm thế chờ đợi ấy, tôi bắt những người xung quanh phải cùng chờ như mình. Tôi khép kín, cáu bẳn. Mọi người có thể không quan tâm, nhưng trong tôi lúc nào cũng mang ý nghĩ rằng nếu ai muốn tôi trở lại bình thường như trước kia, họ sẽ phải chờ. Chuyến đi kia vô lo nghĩ không ràng buộc mình vào bất cứ mốc thời gian, nơi chốn hay con người nào đã làm tôi phải thừa nhận hành động đỏng đảnh đầy ích kỷ kia của mình. Thoát khỏi nó, tôi học cách cư xử điềm đạm, nhưng lại cô đơn hơn bao giờ hết.
Trở về thành phố, tôi khiến mình bận rộn khi trở lại nhóm nhảy và làm quen một ngoại ngữ mới. Thi thoảng ra quán quen ngồi học bài với ly trà sữa vị chanh, tôi chọn bánh kem để nhấm nháp trong lúc dõi mắt cửa sổ tìm kiếm một bóng người quen thuộc. Không còn nắng gắt, không còn gió thốc trước cơn mưa, chỉ có nỗi buồn vương vấn đâu đó khi trời về chiều. Công việc thay thế mẹ ở Studio vừa xong cũng là lúc tôi kiêm luôn việc chuẩn bị đồ ăn trưa và tối cho mọi người ở đấy như ngày xưa mẹ vẫn làm. Nhà bếp thơm nức đồ ăn đem sự ấm cúng quay trở lại. Thi thoảng tôi nấu cho dượng những ngày ông ở nhà, không ngon bằng mẹ, nhưng đủ để chúng tôi nhận ra nỗi nhớ của mình lớn đến dường nào.
***
Tháng mười đến với cơn mưa nhẹ, xua đi chút nắng mùa hè sót lại. Có người đặt chậu lavender trên bậc cửa kèm một ly trà sữa hương chanh. Không giống mẹ, tôi không chú ý nhiều đến hoa cỏ và cũng chẳng đặc biệt thích loại nào. Nhưng dượng đã từng tặng mẹ một chậu lavender nhân dịp sinh nhật không xa nào đó khiến bà thích đến nỗi kể đi kể lại cho tôi nghe về loài hoa này suốt một tuần. Trong vô vàn hồi ức về màu tím kia, tôi chỉ nhớ rằng nó gắn liền với câu chuyện cô gái chiều chiều đứng trước cánh đồng oải hương, chờ cậu bé cô cảm mến từ bé trở về. Cậu bé bị tai nạn mất trí nhớ, không nhớ ra cô khi hai người gặp lại. Chính hoa oải hương để trong hai chiếc lọ giống hệt làm tin giúp họ nhận ra nhau sau 15 năm xa cách.
Tôi đã kể đoạn chuyện này tỉ mỉ cho Huy vào đầu buổi chiếu phim, ngay hàng lang người xếp hàng đông đúc chờ đến lượt xem. Lúc ấy tôi không nhắc đến đoạn sau, khi chàng trai chiều nào cũng ra cánh đồng oải hương, đợi người con gái thân yêu đã chết vì căn bệnh hiểm nghèo với hy vọng thần kì rằng cô sẽ quay trở về. Nó quá phi chân thực, quá bất hạnh bởi hy vọng hão huyền được gieo vào cùng nỗi đau mất mát. Thế nên tôi kết thúc câu chuyện về lanvender bằng cách nói với Huy một câu: “Dù sao thì mẹ tớ nói lavender cũng tượng trưng cho may mắn, cậu nhớ vậy là được rồi”. Vì lúc ấy, tôi chỉ mong phép thần kì dù chỉ là nhỏ nhoi đến với mình, để căn nhà lại vang lên tiếng cười ba người trọn vẹn.
Và có lẽ, “may mắn” là thứ cậu ghi nhớ nhiều nhất khi nghĩ đến loài hoa này.
Tôi để chậu hoa trên bệ cửa sổ nơi nhà bếp, thấy không thoả mãn; cuối cùng mang nó vào phòng làm việc đã bắt đầu bám bụi của mẹ, mở toang cửa sổ, tìm cho nó một chỗ đứng hài lòng nơi kệ cao. Tôi không vào căn phòng này từ khi hoàn thành xong mẫu mô hình nhân vật trong Marvel cách điệu gửi nhà trẻ mồ côi dịp Tết trung thu vừa rồi. Giờ nhìn lại, thấy mọi thứ xung quanh nhuốm một vẻ cô đơn khó tả, dù đồ vật và cách bài trí chẳng hề đổi thay. Thay chiếc quần đùi kaki trắng, xắn tay áo sơ mi sọc xanh, tôi xách một xô một chậu đầy nước pha hương bạc hà vào phòng, bắt đầu lau dọn và sắp xếp lại mọi thứ, như một cách làm mới lòng mình. Dượng trở về đột ngột do lịch làm việc thay đổi, nhanh chóng thay chiếc áo thun xám và quần cộc mà mẹ mua cùng lúc với bộ đồ tôi đang mặc, lăng xăng xếp lại sách trên kệ. Chúng tôi hoàn tất mọi thứ khi chuông điểm 21 giờ, bỏ qua bữa tối mà không thấy mệt hay đói. Cả hai ngồi tựa vào nhau trong phòng không điện, ngắm ánh trăng rọi bóng cây lavender chan hoà trên sàn.
Bất giác tôi nhắn cho Huy một tin cảm ơn kèm cái hẹn xem phim cuối tuần, nếu cậu không còn ghét bỏ tôi nữa. Dượng nhìn tin nhắn được gửi đi, khẽ xoa đầu tôi, mắt cười ấm áp. Mọi thứ bỗng chốc thật bình yên, khi người ta tạm dừng suy nghĩ về buồn đau và mất mát để tập trung vào những điều thực sự có ở hiện tại.
Tiếng chuông điện thoại vang lên khiến cả hai chúng tôi giật mình nhìn nhau trong giây lát. Tôi bật dậy ngay sau đó, dượng hấp tấp theo sau. Đầu bên kia điện thoại, y tá chăm sóc cho mẹ tôi nói vỏn vẹn vài chữ.
– Bà ấy tỉnh rồi.
Hồng Hà
Sài Gòn, 10/2015