NGƯỜI PHÊ BÌNH

Bạn có nghe nói về người phê bình?

Chắc hẳn bạn đã nghe về Nhà phê bình. Không, tôi không nói về một nhà nào cả, tôi chỉ nói về một con người có công việc, có gia đình, có nhiều sở thích. Họ không là một nhà nào cả, nhưng lại có thể giỏi nhận xét về những điều mình am hiểu, dù không tận tay làm nó.

Tôi đang nói về bố tôi, một người phê bình.

Tôi nhận ra điều này khi đang vẽ một bức tranh từ tấm hình chụp bố một thời nào đó, có lẽ trước khi tôi được sinh ra nữa. Và rồi tôi tự nghĩ rằng, nếu bố nhìn thấy bức vẽ này, có lẽ bố sẽ cười, vừa cười vừa chỉ những chỗ tôi có thể cải thiện thêm. Bố không khen, không chê cụ thể, nhưng ông biết tôi có thể làm gì tốt hơn. Và tôi nhận ra, bố chính là người phê bình chính hiệu, một người phê bình mà tôi nhận mình cảm phục.

Bố không phải là nhà văn, nhưng đọc nhiều sách khiến bố có khả năng cảm thụ văn học và dùng từ ngữ. Tôi viết, bố sửa, từ những năm tôi còn là học sinh tiểu học. Sự tiến bộ của tôi trong cách viết phần lớn là nhờ bố. Nhiều bài học, thú thực, tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ. Cách đây vài hôm tôi có giúp mẹ chấm những lỗi chính tả của học sinh (mẹ tôi là giáo viên lớp năm mà). Chấm văn tiểu học không có gì đặc biệt ngoài việc cho bạn thấy được mình của hồi bé viết văn là như thế nào. Tôi nhận ra cách viết rất giống nhau của mấy em, chợt nhớ đến câu dặn của bố: “Viết văn nên bớt những từ như “rất”, “rằng”, “thì”, “là” để tránh lặp từ… một câu văn không cần diễn tả bằng quá nhiều tính từ…” chợt bật cười. Đây đúng là trải nghiệm đầu tiên của tôi trong việc sửa chữa những câu văn của chính mình.

Bố càng không phải là nhà phê bình văn học, nhưng ai viết hay dở biết liền, còn biết người đó để viết được thế này phải hiểu biết tới đâu. Mỗi khi muốn đọc về một thể loại văn học nào đó, tôi đều gọi điện thoại cho bố để được tư vấn tên tác giả, tác phẩm. Những khi về nhà ngó chỗ để sách mượn thư việnc của bố, tôi nhận ra mấy năm gần đây, thể loại truyện mà bố đọc khác hẳn xưa, căn bản ngày xưa sách bố mượn về tôi cũng thích đọc, giờ thì những tác phẩm tôi đọc bố lại không thích nữa. Có lần hỏi bố lý do, bố chỉ nói “Thời gian thay đổi, sở thích thay đổi” làm tôi buồn chốc lát, như thể nghe được câu “Thời gian thay đổi, con người thay đổi”. Nhưng rồi tôi nhận ra mình buồn là sai, phải xem thử cái thay đổi là tốt hay là xấu, chứ đừng mãi hoài niệm về cái ngày xưa. Càng về sau này, bố càng đọc những tác phẩm có lối viết sâu. Đời người, cũng đã đến lúc chiêm nghiệm nhiều hơn trải nghiệm.

Bố không phải bác sĩ thú ý hay nhà huấn luyện vật nuôi, nhưng mà con Lu nhà tôi nó muốn gì, bố hiểu đó. Mọi người cứ hay đùa bố cưng chó còn hơn cả hai đứa con gái, thực ra tính bố giống bà nội, thích người ta quan tâm, mà lại cũng rất hay quan tâm mọi người. Bố bảo từ bé không có ai chơi, hay làm bạn với chó mèo. Sau này giống bố, cả nhà ai cũng thương mấy chú chó nuôi trong nhà. Chẳng thế mà tôi mất bao nhiêu nước mắt nước mũi cho những lần tiễn “bạn” ra đi.

Bố không phải là Đại tổng quản trong nhà, chức vụ do mẹ kiêm nhiệm, nhưng chỉ cần trong nhà có gì lạ bố đều nhận ra, dù chỉ là đồ vật xê dịch, để chỗ khác, hay có vết xước tường, vết trầy… Bố bị cận thị mà đôi khi tinh mắt lạ thường, do tính cẩn thận tỉ mẩn hay để ý đến chi tiết.

Bố không phải là nhà giáo, nhưng sẽ biết tôi mắc những lỗi cơ bản nào. Nhớ hồi học hành sa sút năm cấp 2 bị bố đem ra “tút” lại: nào là tại sao không nhớ bài để giờ phải hỏi, ngồi cạnh đứa nào, hay nói chuyện với đứa nào; rồi còn chữ viết không rõ ràng dấu câu chữ số… Bao nhiêu tội được đưa ra một lượt. Tôi tất nhiên là khóc bù lu bù loa sau khi thật thà khai tuốt tuồn tuột, nhưng vẫn không nói một câu xin. Chỉ khi bố ra ngoài, mẹ thủ thỉ, tôi mới “đặt vấn đề”, và tất nhiên là bị dẹp thẳng thừng. Lúc đó, nếu chịu khó ôm chân bố bò lăn, không hiểu sẽ thế nào. Nhưng tôi không làm, tôi biết bố nghiêm. Bố gọi điện cho bạn cho cô, tôi im lặng không nói một lời. Chuyện xấu xí này cả lớp đều biết. Mấy ngày sau tôi ít nói, cơ bản là nói không nổi, chứ chẳng phải do giận gì. Tôi thấy lạ mình không hờn giận trẻ con nhiều, vì thấy có sai phải chịu. Mà bố nghiêm, tôi biết.

Bố không phải thợ sửa xe máy, nhưng xe hỏng chỗ nào, có đồ nghề là sửa được tất. Đi xe một người bố còn biết cách người ta đi xe ra sao, phá xe thế nào. Ngày xưa bố tập xe cho, giờ vẫn vậy. Bố mà tập xe, biết đi là một chuyện, còn học được thêm cách giữ xe.

Bố không phải là nhà phê bình nghệ thuật, nhưng đôi khi xem phim ý kiến rất ghê, có nhiều chỗ phê bình mà cả nhà cũng phải gật gù. Mà nhiều khi, bố phê bình nhiều quá khiến mọi người quên mất cả mạch phim. Bố cũng chẳng phải ca sĩ, nhưng biết người ta hát đoạn nào chưa lên đủ nốt, ca từ nào nhảm nhí, rõ ràng là hết từ để thêm vào. Đó cũng là lý do vì sao tôi hiếm khi nghe nhạc Việt, vì có nhiều bài tôi thích nghe, thú thực, chỉ được cái nhạc, còn ca từ thì.. “rõ ràng là nhảm nhí” mà.

Bố biết nhiều thứ, có thể không sâu như một nhà nào đó, nhưng đủ để đưa ra nhận xét đúng. Bố nói nhiều, nhưng nói đúng à nha, nên ráng nghe, không nghe thì, hì hì, đến lúc gặp chuyện đừng bảo sao bố không nói.

Tôi thừa hưởng nhiều đường nét của bố, từ trán bướng cao, đôi lông mày rậm, chân tóc, đến cả hàm răng cái nào cũng tranh nhau làm tổ trưởng. Chỉ có cái mũi cao thì chẳng thấy đâu. Có một đoạn hội thoại thế này, “Sao dì mũi cũng thấp như mẹ, mà cái Hương (con dì) lại mũi cao hơn con?” Bố đáp “Hương giống bố nó”, tôi thấy không cam lòng, lại tiếp “Mà sao con lại không giống bố”. Bố chỉ bảo “Ông trời cho gì thì nhận nấy”, nghĩ lại thấy đúng ghê, không giống bố thì giống mẹ, tôi khỏi thắc mắc.

Khi tôi viết những dòng này, đang nghe bài Jubel – có giai điệu dành cho những ngày hè thong thả – chợt nhớ đến lần gần đây nhất tập bơi với bố ở biển Quy Nhơn hồi đi thi đại học. Bố không phải là vận động viên  bơi, chỉ là bơi “đến chỗ người ta giăng dây cấm bơi thì về”. Bố biết tôi không bơi nổi do quá gồng mình, chỉ không biết tôi sợ lắm những lúc bố thả tay. Tính bố nghiêm khắc như thế, có khi nào tôi sặc nước, bố để cho tôi uống mấy ngụm, tự quẫy đạp theo bản năng mà biết không? Tôi thì chả dám thả tay, cuối cùng chỉ bám vai bố lướt qua lướt lại. Sau ba tiếng dầm nước, cuối cùng bố cũng chính thức thừa nhận tôi là “cục đá, thả xuống nước là chìm”. Câu nói này chính là động lực để tôi tập bơi sau đó. Ở đâu, làm gì, tôi cũng chỉ muốn bố nhận ra rằng mình làm được. Tôi muốn được công nhận, muốn bố mẹ vui lòng. Tôi cũng biết mình làm họ buồn nhiều, tôi cũng buồn nhiều trong thất vọng chính bản thân.

Bố tôi không phải là một nhà cụ thể nào, chỉ là một người đàn ông công sở bình thường ngày làm tám tiếng, một tuần năm ngày, cuối tuần chở vợ chở con chở cháu đi ăn sáng, chục ngày đi thư viện mượn sách về đọc, vài tháng lại đi công tác tỉnh này tỉnh kia. Bố cũng không cần là nhà nào cả, chỉ cần là một người phê bình khiến tôi cảm phục là đủ rồi.

Bố bước qua tuổi 53, bắt đầu năm thứ 54 của mình. Hơn nửa đời người in hằn lên khoé mắt.

Bố đi về quê ngoại qua luôn cả ngày sinh nhật, nếu không là nửa đêm con gái thắp nến gọi bố dậy thổi rồi…

IMG_1195

Đã đóng bình luận.